ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 53

ÍCH CHỨNG

益 證

Hán văn:

使 我 介 然 有 知, 行 於 大 道 唯 施 是 畏. 大 道 甚 遺 而 民 好 徑. 朝 甚 除, 田 甚 蕪, 倉 甚 虛. 服 文 綵, 帶 利 劍, 厭 飲 食, 貨 有 餘, 是 謂 盜 夸, 非 道 也 哉!

Phiên âm:

1. Sử ngã giới nhiên [1] hữu tri, hành ư Đại Đạo duy thi [2] thị úy. Đại Đạo thậm di [3] nhi dân hiếu kính.[4]

2. Triều thậm trừ,[5] điền thậm vu, thương thậm hư. Phục văn thái, đới lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hóa hữu dư, thị vị đạo khoa,[6] phi Đạo dã tai.

Dịch xuôi:

1. Nếu ta có chút hiểu biết, ta sẽ đi theo Đại Đạo, và sợ hãi sự phô trương. Đại Đạo thì rộng rãi thanh thản mà con người lại thích đi những con đường nhỏ hẹp.

2. Triều đình lộng lẫy, nhưng ruộng nương hoang phí, kho lẫm trống trơn.

3. Ăn mặc sang trọng, đeo kiếm sắc, ăn uống chán chê, đó là đường lối của phường đạo tặc, chứ đâu phải đường lối của Đại Đạo.

Dịch thơ:

1. Nếu ta có chút khôn ngoan,

Đường trời hôm sớm, lòng vàng chẳng thay.

Im lìm chẳng dám khoe hay,

Phô trương thanh thế nguy này ai đang ?

Lạ thay đại đạo mênh mang,

Mà sao nhân thế bước quàng bước xiên ?

2. Triều đình càng rực ánh tiên,

Ruộng màu càng xác, kho tiền càng xơ.

Áo quần óng ả nhung tơ,

Thanh gươm sắc bén nhởn nhơ bên người.

Ăn chê uống chán chưa thôi,

Tiền tài dư dật của đời, của ta.

Ấy đường «đạo tặc» điêu ngoa,

Phải đâu «đại đạo» không tà, không xiên.

BÌNH GIẢNG

1. Câu thứ nhất có thể dịch được hai cách:

Wieger và tôi đã dịch trống. Wieger dịch: «Nếu ai có chút khôn ngoan, thì phải sống thuận theo đại Đạo và phải hết sức tránh sự phô trương. Nhưng người ta không thích con đường lớn, mà lại thích đường hẹp. Ít người chịu đi theo con đường Hi sinh, vô vị lợi, mà đa số lại chỉ thích theo những con đường hẹp hòi của khoe mẽ, của phô trương, của lợi lộc. Các vua chúa đương thời đã ăn ở như vậy.»

Jame Legge lại dịch theo chiều hướng chính trị như sau: «Nếu bất ngờ mà tôi được tiếng tăm, và (được đặt để vào một địa vị khả dĩ) cai trị (dân nước) theo đại Đạo, tôi sẽ hết sức sợ hãi sự phô trương thanh thế.»

Đến như câu thứ hai và thứ ba, các nhà bình giải đều cho rằng: Nếu vua chúa chỉ chuyên lo phô trương thanh thế chuyên lo cho có nhà cao cửa rộng, áo sống đẹp đẽ, ăn uống xa xỉ, thì sẽ làm hại dân, hại nước, vì dân sẽ phải sưu cao thuế nặng, đi phu, đi phen, đến nỗi ruộng nương hoang phế kho lẫm trống trơn. Trị dân nước mà như vậy, thì là phường đạo tặc, chứ đâu phải là trị dân theo đúng lẽ Trời.

Thánh vương Trung Hoa xưa trị dân chỉ lo cho dân được no ấm mà quên mình. Hết giờ thiết triều, thì về cung nội ăn ở hết sức giản dị, sơ sài, tránh hết mọi xa hoa. Kinh Thư cho rằng vua chúa không được có những cung điện chạm trổ đẹp đẽ. Trong bài Ngữ tử chi ca có đoạn như sau:

«Kìa tổ tiên xưa ban giáo huấn,

Nếu mà trong mê mẩn sắc hương,

Ngoài mà mê mẩn chim muông,

Rượu đào ngất ngưởng ca xoang vui vầy.

Nhà cao cuốn, ham xây, ham ở,

Vách tường ưa chạm trổ huy hoàng,

Chẳng cần nhiều nết đa mang,

Chỉ cần một nết đủ làm suy vong.

Chiến Quốc Sách chép: Đời Vua Vũ có viên quan tên là Nghi Địch nấu rượu rất ngon, Nghi Địch dâng rượu lên vua. Vua Vũ uống vào rượu thấy rất ngon ngọt, phán rằng: «Đời sau ắt có vị vua vì rượu mà mất nước.» Ngài bèn xa lánh Nghi Địch và tự hậu chẳng hề uống rượu. [7]

Chu Công nói: Văn Vương phục sức xoàng xĩnh, chỉ chăm việc canh nông và trị an. Ngài khiêm cung, nhu mì, thương yêu, bênh vực dân hèn, làm ơn cho kẻ góa bụa. Từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối, vua không còn có thì giờ rảnh để ăn, mà mải mê lo cho muôn dân được vui hòa. Ngài không dám ham mê chơi săn. Thâu thuế các nước thì chỉ thâu cho chính đáng. Cho nên vua Văn chịu mệnh khi đã đứng tuổi, mà còn hưởng nước được trên 50 năm. [8]

Đức Khổng viết trong Luận ngữ: «Vua Vũ nhà Hạ, ta chẳng chê trách được. Trong việc ăn uống, ngài giữ đạm bạc, nhưng trong việc cúng tế quỉ thần thì lại trọng hậu. Y phục ngài thường mặc thì xấu, nhưng áo mặc ngài trang sức trong dịp cúng tế thì lại rất đẹp. Cung thất của ngài thì nhỏ hẹp, nhưng ngòi lạch trong nước thì Ngài tận lực sửa sang... Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được.» [9]

Tóm lại trong chương này Lão tử vẫn nương theo chủ trương Vô vi mà khuyên ta không nên phô trương, không nên vẽ chuyện, mà trái lại trong đời tư cũng như đời công, phải sống sao cho tự nhiên, cho giản dị. Như vậy mới là sống hợp lẽ Trời, mới là trị dân thuận theo lẽ tự nhiên.


[1] Giới nhiên 介 然: một ít.

[2] Thi : phô trương (theo Wieger).

[3] Di : rộng rãi. Tống Long Uyên giải di là con đường lớn rỗng rãi bằng phẳng. Lưu Tư giải di là bằng phẳng.

[4] Kính : là đường hẹp.

[5] Trừ : lộng lẫy, tốt đẹp.

[6] Đạo khoa 盜 夸 : khoe khoang sự trộm cắp (theo Wieger) hay sự khoe khoang của kẻ trộm cắp (theo Legge).

[7] Xem Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, p. 30. Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học tinh hoa, tr. 91.

[8] Xem Kinh Thư, Vô dật, tiết 4, 5, 10, 11.

[9] Xem Luận Ngữ, Thái bá VIII tiết 21. Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học tinh hoa, tr. 94.