ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 36
VI MINH
微 明
Hán văn:
將 欲 歙 之,
必 故 張 之.
將 欲 弱 之,
必 故 強 之.
將 欲 廢 之,
必 故 興 之.
將 欲 奪 之,
必 故 與 之.
是 謂 微 明,
柔 弱 勝 剛 強.
魚 不 可 脫 於 淵,
國 之 利 器,
不 可 以 示 人.
Phiên âm:
1. Tương
dục hấp chi,
tất cố trương
chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố
hưng chi. Tương dục đoạt chi,
tất cố dữ chi.
Thị vị vi minh,
nhu nhược thắng cương cường.
2. Ngư
bất khả thoát ư uyên, quốc chi lợi khí, bất khả dĩ thị nhân.
Dịch xuôi:
1. Trước
khi làm cho chùng, thời giương ra cho thẳng. Trước khi làm cho suy yếu,
thời giúp cho mạnh thêm. Trước khi vứt bỏ đi, thời làm cho hưng vượng.
Trước khi muốn cướp lấy, thời hãy cho trước. Thế gọi là hiểu lẽ vi diệu
(của Trời). Mềm yếu được cứng mạnh.
2. Cá
chẳng khá rời vực, đồ quốc bảo chẳng nên phô trương.
Dịch thơ:
1. Muốn cho chùng, trước dương cho thẳng,
Muốn cho suy, trước tẩm mạnh thêm.
Trước khi thải loại hư hèn,
Tất cho hưng vượng, một phen huy hoàng.
Trước khi đòi lại của ban,
Thời thường sao cũng tiên vàn gia ân.
Luật trời khắc cốt minh tâm,
Xưa nay nhu lại có phần thắng cương.
2. Vực sâu cá phải náu nương,
Những đồ quốc bảo, phô trương ích gì.
BÌNH GIẢNG
Chương
này Lão tử chỉ có ý khuyên ta nên sống ẩn dật, đừng chạy theo vinh hoa,
phú quí làm chi.
Lẽ doanh
hư của trời đất đã bày ra trước mắt. Thịnh rồi sẽ suy; mạnh rồi sẽ yếu,
hưng rồi sẽ phế; có rồi sẽ mất.
Xưa nay
về phương diện chánh trị hay binh bị, muốn đánh bại địch thủ, trước hết
phải làm cho họ trở nên tự kiêu, tự đắc, nghĩ mình là vô địch, bất khả
xâm phạm.
Việt
Vương Câu Tiễn muốn báo thù Ngô Phù Sai. Văn Chủng hiến kế mà rằng: «Tôi
có nghe chim bay cao, chết vì tham ăn lạ; cá ở vực sâu chết vì tham mùi
thơm, bây giờ như Chúa công muốn trả thù, thì Ngô Chúa sở hảo cái gì
cũng nên tìm để qua dâng, làm cho thích ý. Hiện tôi có nghĩ được bảy
điều quyết phá được nước Ngô:
- Một là
quyên đồ quý hóa, làm cho vui lòng Chúa tôi nước Ngô;
- Hai là
mua lúa mắc giá, để nước Ngô tích tụ không được nhiều;
- Ba là
dâng con gái để tâm chí mê lầm;
- Bốn là
đem hiến những gỗ tốt thợ hay, khiến làm cung đền cho hết của;
- Năm là
khiến mưu thần tới bày điều mưu loạn;
- Sáu là
cưỡng bức những vị gian thần hay cản ngăn, khiến họ tự giết mình thì Ngô
Chúa phải yếu thế;
- Bảy là
tích của cải tập quân lính để thừa lúc Ngô gần suy đốn mà đánh một trận.
Câu Tiễn
cho là bảy kế rất hay.»
Việt
Vương đem áp dụng bảy kế hoạch ấy, sau cả phá được nước Ngô, thắng trận
trở về. Chiến sĩ thời áo gấm về làng, cung nhân thì tươi như hoa nở đứng
đầy nơi cung điện... Nhưng ngàn năm về sau, nơi cung điện xưa của Câu
Tiễn, chỉ còn có hoa tàn, cỏ úa, và trở thành nơi trú ẩn của bầy chim đa
đa bay lượn vô tình.
Lý Bạch
đã cảm hoài như sau:
Việt
Vương Câu Tiễn phá Ngô quy,
越 王 勾 踐 破
吳 歸
Chiến sĩ
hoàn gia tận cẩm y,
戰 士 還 家 盡
錦 衣
Cung nữ
như hoa mãn xuân điện,
宮 女 如 花 滿
春 殿
Chỉ kim
duy hữu giá cô phi.
只 今 惟 有 鷓
鴣 飛
Bùi Khánh
Đản dịch:
Bình
Ngô Câu Tiễn kéo quân ra,
Chiến
sĩ về quê, rặt gấm là,
Cung
nữ như hoa đầy điện ngọc,
Ngày
nay chỉ thấy bóng chim đa.
Thánh
nhân hiểu lẽ thăng trầm của trời đất, nên không chạy theo vinh hoa phú
quí phù du, mà vui sống ẩn dật cùng Đạo.
Cho nên muốn tiêu sái an
nhiên, hãy sống ẩn dật. Cá muốn an toàn, hãy ở dưới vực sâu; đồ quốc bảo
muốn khỏi mất, chớ đem khoe cho dân chúng thấy.
Hấp 歙:
rút lại.
Trương 張:
dương lên.
Đoạt 奪:
lấy lại.
Dữ 與:
cho.
Vi minh
微 明: căn do thì huyền
vi, hiệu quả thì rõ rệt (Hà Thượng Công).
Trong Nam Hoa kinh, chương 10, Khư Khiếp, đoạn B, ta cũng thấy
Trang tử lặp lại câu này.
Võ Minh Trí dịch, Đông Châu liệt quốc, tr. 955-956.
Xem Bùi Khánh Đản, Đường thi, tr. 513. |