ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 80

ĐỘC LẬP

獨 立

Hán văn:

小 國 寡 民. 使 有 十 伯 之 器 而 不 用. 使 民 重 死 而 不 遠 徙. 雖 有 舟 輿 無 所 乘 之. 雖 有 甲 兵 無 所 陳 之. 使 民 復 結 繩 而 用 之. 甘 其 食, 美 其 服, 安 其 居, 樂 其 俗. 鄰 國 相 望. 雞 犬 之 聲 相 聞. 民 至 老 死, 不 相 往 來.

Phiên âm:

1. Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bá chi khí [1] nhi bất dụng.

2. Sử dân trọng tử nhi bất viễn tỉ. Tuy hữu chu dư vô sở thừa chi.

3. Tuy hữu giáp binh, vô sở trần chi.

4. Sử dân phục kết thằng nhi dụng chi.

5. Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ cư, lạc kỳ tục.

6. Lân quốc tương vọng. Kê khuyển chi thanh tương văn. Dân chí lão tử, bất tương vãng lai.

Dịch xuôi:

1. Nước nhỏ, dân ít, dù có ít nhiều tôi giỏi, nhưng chưa cần dùng đến.

2. Dạy dân sợ chết, đừng đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng.

3. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương.

4. Khiến dân trở lại thắt nút mà dùng.

5. Ăn cho là ngon, mặc cho là đẹp, ở cho là yên, sống cho là sướng.

6. Nước gần, thấy nhau, gà kêu chó cắn đều nghe, dân đến già chết chẳng lui tới nhau.

Dịch thơ:

1. Nước ta bé nhỏ, dân thưa,

Lơ thơ tôi giỏi, ta chưa hề dùng.

2. Dạy dân sợ chết làm lòng,

Cho nên chẳng dám vẫy vùng phiêu lưu.

Xe kia, thuyền nọ đìu hiu,

Nào ai muốn lái, muốn chèo mà chi.

3. Binh kia giáp nọ ủ ê,

Chẳng hề dở dói đem khoe, đem bày.

4. Dạy dân trở lại thắt dây,

Sống đời thuần phác, tháng ngày tiêu dao.

5. Ăn thường vẫn tưởng thanh cao,

Mặc thường, vẫn tưởng bảnh bao chững chàng.

Ở thường, mà vẫn tưởng sang,

Sống thường, vẫn tưởng đàng hoàng, đẹp tươi.

6. Lân bang nào cách mấy mươi,

Gà kêu, chó sủa đôi nơi rõ ràng.

Tuy rằng gần gũi tấc gang,

Suốt đời dân chúng nào màng tới lui.

BÌNH GIẢNG

Đây là một giấc mơ tiên của Lão tử. Lão tử sống vào đời Chu mạt, luôn luôn chứng kiến những cảnh đoạn trường, nhà tan nước nát, tử biệt sinh ly, nên cuối Đạo Đức kinh đã muốn phác họa lại một cảnh thiên đàng nơi trần thế. Cảnh thiên đàng của Lão tử được mường tưởng như là một nước nhỏ bé có những công dân chất phác, sống một cuộc sống vô tư, vô cầu, chẳng màng đến những tiện nghị của nền văn minh trần thế, xe thuyền binh, giáp đều cho vào bảo tàng, sống hồn nhiên, ăn ở đạm bạc mà vẫn lấy thế làm sung sướng, suốt đời chẳng muốn đi đâu, vui trong vui thuần phác của mình.

Đọc Lão tử đến đây ta học được thêm một bài học mới. Bài học đó là:

Cái hạnh phúc, cái sung sướng của con người thực ra không lệ thuộc vào tiến bộ văn minh vật chất bên ngoài, nhưng lại căn cốt ở nơi tâm hồn con người.

Có một tâm hồn đẹp đẽ, khoáng đạt, biết thưởng thức những cái hay, cái đẹp quanh mình, biết bè bạn cùng những người có những tâm hồn thanh cao, thuần phác như mình; biến được cuộc đời thực tại của mình, thành cuộc đời lý tưởng; rũ bỏ được mọi tần phiền của thế tục; sống một cuộc sống bình dị, vui tươi; hòa hàivới tha nhân và vũ trụ. Một đời sống như vậy thực là mơ mộng và siêu thoát.

Ngày nay sống trong một thế giới hỗn tạp và vật chất nếu chúng ta biết sống vươn vượt lên trên những nỗi lo âu và phiền toái của ngoại cảnh, biết thưởng thức được cái hay cái đẹp của đất trời, biết sống giản dị, đừng để cho lòng dính bén những phù du tục lụy, thì chúng ta cũng đã lãnh hội được phần nào tinh hoa của Đạo Đức kinh vậy!


[1] Thập bá chi khí 十 伯 之 器: (1) ít nhiều bầy tôi giỏi (Wieger); (2) dẫu có những người giỏi bằng mười, bằng trăm người (Legge); (3) dẫu có khí giới đủ cho 10 hay 100 người (Stanislas Julien).