ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 16

QUI CĂN

歸 根

Hán văn:

致 虛 極, 守 靜 篤. 物 并 作, 吾 以 觀 其 復. 夫 物 芸 芸, 各 歸 其 根. 歸 根 曰 靜, 靜 曰 復 命. 復 命 曰 常. 知 常 曰 明. 不 知 常, 妄 作, . 知 常 容. 容 乃 公. 公 乃 王. 王 乃 天. 乃 道. 道 乃 久. 沒 身 不 殆.

Phiên âm:

1. Trí hư cực, thủ tĩnh đốc.

2. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục.[1] Phù vật vân vân, các qui kỳ căn. [2]

3. Qui căn viết tĩnh. Tĩnh viết phục mạng.[3] Phục mạng viết thường.

4. Tri thường viết minh. Bất tri thường, vọng tác, hung.[4]

5. Tri thường dung. Dung nãi công. Công nãi vương.[5] Vương nãi thiên. Thiên nãi Đạo. Đạo nãi cửu.[6] Một [7] thân bất đãi.[8]

Dịch xuôi:

1. Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh.

2. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội.

3. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu.

4. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt. Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa.

5. Biết «trường cửu» sẽ thung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời với Đạo. Hợp Đạo rồi sẽ cửu trường: thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.[9]

Dịch thơ: 

Thử tách khỏi vòng đời luân chuyển,

Để lặng thinh ngắm chuyện trần hoàn.

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh.

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

Biết trường tồn mới là thông,

Trường tôn không biết, ra lòng tác yêu.

Biết trường tồn muôn điều thư thái,

Lòng ung dung hưởng khoái công hầu.

Công hầu, vương tước, xa đâu,

Vượt thang thần thánh, lên bầu trời cao.

Lên trời thẳm hòa vào Đạo cả,

Cùng đất trời, muôn thủa trường sinh.

Xác tan, chẳng hại chi mình.[10]

BÌNH GIẢNG

1. Đi đến chỗ «hư cực, tĩnh đốc» tức là đã tách rời khỏi vòng biến chuyển của trần hoàn, «dữ Đạo hợp chân», huyền hóa với Trời với Đạo.

«Hư cực» tức là khi lòng trống, không còn vấn vương sắc tướng, trần ai, tục lụy. «Tĩnh đốc» tức là khi tâm tư không phát sinh một niềm lự nào.

Tách rời khỏi vòng biến dịch, để nhìn xem dòng biến dịch sẽ chuyển hướng về đâu? Lão tử đã cho thấy vạn sự biến dịch chung qui sẽ trở về cội gốc, mà cội gốc ấy chính là Trời, là Đạo. Biết được lẽ phản phục, tuần hoàn của Vũ trụ, tức là bao quát được lẽ Dịch. Đó là quan niệm «Nhất bản tán vạn thù; Vạn thù qui nhất bản.» 一 本 散 萬 殊, 萬殊 歸 一 本 của triết học Đông Phương.

Đó là một cuộc biến hóa có hai chiều tiến thoái, thăng giáng, thịnh suy, để thực hiện một vòng tuần hoàn của Tạo Hóa. Khoa học ngày nay mới chỉ biết rằng «tiến hóa có một chiều» theo định luật Dương tiêu Âm trưởng (hoạt lực giảm, tiềm lực tăng) của Carnot Clausius.[11] Nhưng các nhà huyền học đều sớm nhận thấy vòng trần hoàn biến dịch ấy của vũ trụ. Radhakhrishman nói: «Đầu và cuối sẽ ăn khớp với nhau.» [12] «Lịch trình của lịch sử đã từ thần minh đi xuống, và rồi ra sẽ trở về lại Thần minh.» [13]

Các môn phái triết học Á đông Ấn Độ hay Trung hoa, cũng đều nhận định rằng: Vũ trụ này có trở về tâm, trở về nguồn mới thoát được sự phá tán, suy vong.[14]

Khảo các Giáo phụ Công giáo, ta thấy chỉ có Origène là có chủ trương như Lão tử. Origène cho rằng mọi hồn đã phạm tội ở trần gian, khi chết đi, sẽ bị lửa làm cho tinh khiết, rồi dần dà, các tâm hồn sa đọa ấy, cũng như ma quỉ, sẽ siêu thăng dần dần; cuối cùng sẽ được thanh lọc hoàn toàn và sẽ sống lại trong những thể xác khinh phiêu và Thượng đế sẽ là mọi sự trong mọi người.[15]

Biết được lẽ phản phục, tuần hoàn của trời đất ta sẽ thấy vũ trụ này sinh hóa tuy có những chu kỳ cố định như không bao giờ cùng, không bao giờ hết miên man vô tận.

Biết được nhẽ ấy, sẽ thung dung, khinh khoát, và sẽ phóng tâm tu luyện để đi đến chỗ huyền hóa với Trời với Đạo, và dẫu cái xác này tiêu ma đi theo định luật chi phối vật chất, thì ít là cái thần ta cũng vĩnh cửu với đất trời...


[1] Bản của Phó Dịch chép: «Ngô dĩ quan kỳ phục.» Nhiều bản chép: «Ngô dĩ quan phục.» 吾 以 觀 復 Hà Thượng Công chép: «Ngô dĩ thị quan kỳ phục.» 吾 以 是 觀 其 復 .

[2] Nhiều bản viết: «Các phục qui kỳ căn.» 各 復 歸 其 根. Bản của Phó Dịch không có chữ «phục»: 各 歸 其 根.

[3] Nhiều bản chép là «Thị vị phục mạng» 是 謂 復 命. Nhưng bản của La Chấn Ngọc 羅 振 玉 Cảnh Long ngự chú và Anh Luân 英 倫 đều viết: «Tĩnh viết phục mạng.» 靜 曰 復 命.

[4] Vọng tác 妄 作: làm càn.

[5] Bản của Vương Bật chép: «Công nãi vương, vương nãi thiên» 公 乃 王, 王 乃 天. Nhưng nhiều bản sửa là: «Công nãi chu, chu nãi thiên» 公 乃 周, 周 乃 天.

[6] Năm chữ «nãi» ở trên trong bản Cảnh Long đều đổi thành chữ «năng» .

[7] Một : hết.

[8] Đãi : nguy.

[9] Các nhà bình giải thường hiểu đoạn này như sau: «Biết trường cửu sẽ bao dung, bao dung sẽ công bình; công bình sẽ bao quát; bao quát là Trời, Trời là Đạo. Đạo thì trường cửu. Chung thân không nguy.»

[10] Đoạn sau có thể dịch khác như sau:

  «Biết trường tồn muôn chiều khoan quảng,

  Lượng bao dung, rộng choán càn khôn.

  Bao dung, rộng rãi ngàn muôn,

  Như trời, bao quát chẳng còn riêng tư,

  Không riêng tư, y như Đạo cả,

  Hợp Đạo rồi, muôn thủa lâu lai.

  Tiêu tan là cái hình hài,

  Tinh thần âu sẽ muôn đời trường sinh.

[11] L’energie se dégrade et l’univers tend vers l’immobilité. André Lamouche - La destinée humaine, Flammarion, p. 94.

Rappelons que le Principe de Carnot traduit la tendance de l’énergie à se dégrader ou à se dissiper, ce qui entraine une augmentation de l’entropie, c’est-à-dire de l’extension spatiale de l’énergie au cours de ses transformations. Ib. p. 49 note 16.

... C’est cette marche à sens unique, toujours dans le sens de dégradation irréversible, qui justifie le nom de principe d’évolution par lequel on désigne souvent le second principe de Carnot. Ib. p. 95.

[12] Radhakrishman says, «There is coincidence of the beginning and the end.» Grace E. Cairns, Philosophy of History, p. 312.

[13] The process of history has come from the divine Spirit and to the Divine Spirit it returns. Ib. 312.

[14] For all Oriental cyclical Philosophyes - Hindou, Buddhist, Jain or Chinese, Taoist, Yoga system - spiritual freedom is the goal. This means escape from the bondage of the matter world of fragmentation and desintegration - to the world of spiritual unit and integration with the one, the Center, who is at the same time the All. Ib., p. 459.

[15] Un point principal de sa (Origène) doctrine était «l’apocastatase universlle»; les âmes de ceux qui ont commis le péché sur la terre, vont après la mort, dans un feu de puri- fication, mais peu à peu toutes, ainsi que les démons, montent de degré en degré et finalement, totalement purifiées, ressusciteront dans des corps éthérés et Dieu sera de nouveau tout en tous. Berthold Altaner, Précis de Patrologie, p. 306.