ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 81

HIỂN CHẤT

顯 質

Hán văn:

信 言 不 美. 美 言 不 信. 善 者 不 辯. 辯 者 不 善. 知 者 不 博. 博 者 不 知. 聖 人 不 積. 既 以 為 人, 己 愈 有, 既 以 與 人, 己 愈 多. 天 之 道, 利 而 不 害. 聖 人 之 道 為 而 不 爭.

Phiên âm:

1. Tín ngôn bất mỹ. Mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện. Biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri.

2. Thánh nhân bất tích. Ký dĩ vi nhân, kỷ dũ hữu. Ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa. Thiên chi đạo, lợi nhi bất hại. Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh.

Dịch xuôi:

1. Lời chân thành không hoa mỹ. Lời hoa mỹ không chân thành. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.

2. Thánh nhân không tích trữ. Càng vì người, mình càng có. Càng cho người mình càng thêm nhiều. Đạo trời lợi mà không hại. Đạo thánh nhân làm mà không tranh.

Dịch thơ:

1. Lời ngay giản dị, tầm thường,

Những lời xảo trá, văn chương mỹ miều.

Người làm, chẳng biện luận nhiều,

Khéo chiều biện luận, lắm điều gian ngoan.

Trí cao chẳng bác, chẳng tham,

Càng tham bác lắm, là càng ngu si.

2. Thánh nhân chẳng súc tích gì,

Càng cho càng có, càng chi càng giàu.

Trời kia nào hại ai đâu,

Thánh nhân nào có tranh nhau với người.

BÌNH GIẢNG

Lời kết luận Đạo Đức kinh của Lão tử thực là đơn sơ, nhưng thực thắm thiết. Đại khái Ngài cho rằng:

Những lời lẽ trong Đạo Đức kinh này là những lời chân thành phát ra tự tâm linh Ngài. Ngài chẳng hề muốn biện luận để mong làm lung lạc lòng người, mà cũng chẳng hề có tham khảo đa đoan sách này sách nọ.

Tất cả đều là kết quả của những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, những kinh nghiệm của một đời sống đạo hạnh để hàn huyên cùng chúng ta. Ngài cho rằng Ngài chẳng còn gì giấu giếm chúng ta, và đã phơi bày tâm tư của Ngài với chúng ta trong suốt 81 chương sách.

Ngài cho rằng Ngài viết sách này là mong giúp người, chứ chẳng muốn hại ai, vì Ngài đã hoàn toàn theo đường lối của Trời. Ai thích lời Ngài đem dùng cũng hay, ai chẳng ưa lời Ngài bỏ đi cũng được. Ngài hoàn toàn chẳng chấp, tức là đã thoát vòng âm dương tương đối, mà siêu việt lên bình diện tuyệt đối rồi vậy.

Sách khởi đầu bằng chữ Đạo, siêu việt tuyệt vời, kết thúc bằng hai chữ «bất tranh» để trở về cùng Thái hòa tĩnh lãng. Thiết tưởng như vậy đã nói lên được tâm tư hoài bão, cốt cách, tinh hoa của đức Lão tử rồi vậy.