ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 33
BIỆN ĐỨC
辨 德
Hán văn:
知 人 者 智,
自 知 者 明. 勝 人 者 有 力,
自 勝 者 強. 知
足 者 富, 強 行 者 有 志.
不 失 其 所 者 久. 死 而 不 亡 者 壽.
Phiên âm:
1. Tri nhân giả trí, tự tri giả minh.
Thắng nhân giả hữu lực,
tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí.
2. Bất thất kỳ sở giả cửu.
Tử nhi bất vong giả thọ.
Dịch xuôi:
1. Biết người là khôn. Biết mình là
sáng. Thắng người là kẻ có sức; tự thắng là kẻ mạnh. Biết «tri túc» là
giàu; cố gắng là người có chí.
2. Không đánh mất điểm tựa sẽ vững
bền. Chết mà không hết, thế là thọ.
Dịch thơ:
1.
Biết người là kẻ trí cao,
Biết mình ấy kẻ anh hào quang minh.
Thắng người khác đã đành rằng khỏe,
Tự thắng mình xiết kể hùng cường.
Biết túc mãn ấy giàu sang,
Cố công gắng sức, bền gan ấy người.
2.
Muốn trường cửu chớ rời chỗ tựa,
Chết vẫn còn là thọ muôn đời.
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử khuyên:
1.
Phải biết mình.
2.
Phải tự thắng, phải kiềm chế được mình.
3.
Phải biết «tri túc».
4.
Phải biết cố gắng.
5.
Phải tìm cho ra chỗ dựa nương cho mình.
6.
Phải làm sao để trường sinh bất tử.
1. Phải biết mình
«Triết nhân» thì «tri kỷ». Có biết
mình, mới biết Trời. Mạnh tử viết:
«Biết hết tâm, sẽ hay biết tính,
Hay biết tính, nhất định biết Trời.»
Biết mình để biết Trời tức là phương
pháp đi từ ngọn ngành để lần về gốc gác.
Chứ học để biết phàm tâm với thất
tình, lục dục của nó suông mà thôi, thì thiết tưởng chẳng ích lợi gì.
Có nhiều người sống suốt đời mà chỉ
biết có một thứ học «trục vật», chạy theo ngoại cảnh, tìm hiểu ngoại
cảnh. Những người đó là những người trí giả, thức giả (intellectuels,
savants) chứ không phải là những người minh triết (philosophes).
2. Phải tự
thắng, phải kiềm chế được mình
Cái cao siêu của con người chính là sự
thoát được vòng kiềm tỏa của thất tình, lục dục; từ phàm phu trở thành
một con người siêu nhiên. Muốn vậy cần phải tự thắng.
3. Phải biết tri
túc
Biết tri túc sẽ sung sướng; không biết
tri túc sẽ lao đao, lận đận suốt đời, chạy theo tiền tài, danh lợi để
rồi cũng lại như:
«Vua Ngô 36 tàn vàng,
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.»
4. Phải cố gắng
Muốn thực hiện được đại công trình nói
trên, tức là trở thành con người siêu nhiên, cần phải cố gắng không
ngừng. Đó là định luật của trời đất. Dịch kinh viết: «Thiên hành kiện,
quân tử dĩ tự cường bất tức.»
天 行 健,
君 子 以 自 強 不 息
(Trời vận hành không ngơi nghỉ, người quân tử thấy thế, cũng phải cố
gắng không ngừng.)
5. Phải tìm cho
ra được chỗ dựa
Đâu là chỗ nương dựa cho chính mình?
Trong thế giới này, đại phàm cái gì có hình thức, sắc tướng đều là bào
ảnh, quang hoa, nay còn, mai mất, không thể nào là chỗ dựa nương cho
mình được.
Cho nên, suy cho cùng, thì chỉ có
Trời, có Đạo, có Tuyệt đối vĩnh cửu, bất biến mới có thể làm chỗ dựa
nương cho mình được mà thôi. Kinh Kim Cương viết: «Ưng vô sở
trụ nhi sinh kỳ tâm.»
應 無 所 住 而 生 其 心
Chính là dạy ta phải dựa vào Tuyệt đối.
Dịch kinh viết:
«Hiền nhân thông lý trung hoàng,
Tìm nơi chính vị mà an thân mình.
Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,
Làm cho cơ thể sướng vinh mỹ miều.
Phát ra sự nghiệp cao siêu,
Thực là đẹp đẽ điến điều còn chi.»
Trang tử trong thiên Đại Tông sư, đoạn
3, cũng khuyên ta nên gửi thân vào «Đại Khối» để được trường tồn.
6. Phải làm sao
để trường sinh bất tử
Lý Long Uyên bình câu «Tử nhi bất vong
giả thọ» như sau: «Trời được chân thể của mình nên tồn tại; Con người
được chân thể của mình sẽ trường thọ. Cũng có thể nói rằng: Vào nơi vô
gián, siêu xuất sinh tử, cùng trời đất hợp làm một là «Tử nhi bất vong
giả thọ». Chết ở đây là chết cái phàm tâm, vọng tâm. Còn nơi đây là còn
cái Chân tính, Pháp tính. Vọng tâm đã chết rồi, Chân tính tự nhiên sẽ
trường tồn. Cho nên thánh nhân xưa không coi cái chết là chết, mà coi sự
không biết Đạo là cái chết; không gọi cái sống là sống, mà coi sự biết
Đạo là cái sống. Khi đã biết Đại Đạo, dẫu thân chết đi, nhưng Chân tính
chẳng chết; Hình tuy tiêu đi, nhưng Chân ngã chẳng tiêu. Thế tức là:
Pháp tính của ta bất sinh, bất tử, bất hoại, bất diệt, không có cổ kim,
thường trụ, thường tại, tuy không kể số thọ mình, nhưng mà thọ vô cùng.
Nếu bảo rằng sắc thân không chết là thọ, thì đó là cái thọ sắc tướng mà
thôi. Chưa thoát được cái thọ sắc tướng, thì làm sao có thể siêu xuất
sinh tử mà đạt được tới bờ bên kia được, thì làm sao mà chứng quả
«chân thường vô lậu» được? «Tử nhi bất vong giả thọ» là như
vậy.»
Tôi hoàn toàn đồng ý với Tống Long Uyên.
|