ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 4

VÔ NGUYÊN

無 源

Hán văn:

道 沖 而 用 之 或 不 盈. 淵 兮 似 萬 物 之 宗. 挫 其 銳, 解 其 紛, 和 其 光, 同 其 塵. 湛 兮 似 或 存. 吾 不 知 誰 之 子. 象 帝 之 先.

Phiên âm:

1. Đạo xung [1] nhi dụng chi hoặc [2] bất doanh. [3]

2. Uyên [4] hề tự vạn vật chi tông. [5]

3. Tỏa [6] kỳ nhuệ,[7] giải kỳ phân,[8] hòa kỳ quang, đồng kỳ trần.

4. Trạm hề [9] tự hoặc tồn. [10]

5. Ngô bất tri thùy chi tử. Tượng [11] đế chi tiên. [12]

Dịch xuôi:

1. Đạo rỗng không mà dùng không hết.

2. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông vạn vật.

3. Làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi rậm.

4. Trong trẻo thay, tựa hồ trường tồn.

5. Ta không biết Đạo con ai; hình như có trước Thiên đế.

Dịch thơ:

A. Dịch cách thứ nhất:

1. Đạo không hư dùng muôn đời không cạn,

2. Sâu ngàn trùng, sinh ngàn vạn chúng sinh.

3. Dấu sâu sắc, gỡ cho hết mối manh,

Pha ánh sáng hòa mình cùng trần cấu.

4. Nhưng trong trẻo, muôn đời không nhơ dấu,

5. Ta chẳng hay, ngài sinh xuất từ đâu,

Trước Thiên đế, (trước muôn ngàn hiện tượng).

B. Dịch cách thứ hai:

1. Đạo vơi, dùng mãi không vơi,

2. Thẳm sâu, tông tổ muôn loài thụ sinh.

3. Làm tầy mũi nhọn (cho tình),

Gỡ tung rối rắm, (quần sinh hòa hài).

Sáng mình pha sáng muôn loài,

Hòa mình cùng với trần ai mới là.

4. Thế nhưng trong (ngọc) trắng (ngà),

Muôn đời vẫn chẳng chút là hư hao.

5. Con ai ta biết đâu nào,

Trước ngôi Thiên đế, từ bao lâu rồi.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử lại bàn luận về Đạo. Đạo vượt tầm tri thức của ta.

1. Đạo huyền linh cao diệu, tưởng như là hư không, trống rỗng mà dùng chẳng bao giờ vơi, chẳng bao giờ hết.

2. Đạo sâu man mác, đã sinh xuất ra vũ trụ quần sinh.

3. Chẳng những thế, Đạo lại còn luôn lồng trong vạn hữu (immanence). Muốn vậy, Đạo đã dấu hết sắc bén, bỏ mọi phiền tạp, hòa ánh sáng cùng vạn hữu, đồng hóa mình với sự thấp hèn của vạn hữu.

4. Tuy nhiên, Đạo vẫn luôn trong trẻo, vẫn vĩnh viễn trường tồn, tự nhiên tự tại.

5. Không thể biết Đạo đã sinh xuất từ đâu. Có lẽ Đạo có trước Thượng đế.

Vì vậy mà Hà Thượng Công đặt tên chương này là «Vô nguyên» (Không đầu cội).

Lão tử luôn luôn tỏ ra dè dặt khi bàn luận về Đạo. Chương này ngài dùng: hai chữ tự (tựa hồ); hai chữ hoặc chỉ nghi ngờ, không quyết đoán); một chữ bất tri 不 知. Như vậy Lão tử tỏ ra rất khiêm tốn không hề dám quyết đoán gì về Đạo, mà toàn là phỏng đoán.

Chương này chỉ có ý nói: (1) Đạo vô biên tế, vô cùng tận; (2) Đạo là căn nguyên vạn hữu; (3) Đạo hằng lồng trong vạn hữu; (4) Đạo có trước mọi hiện tượng.

Trang tử, nơi chương Đại tông sư, có một đoạn bình về Đạo cũng na ná chương này của Lão tử. Đại khái như sau:

Đạo thời hữu tín, hữu tình,

Vô vi mà lại vô hình mới hay.

Dễ truyền, khó bắt lạ thay,

Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.

Tự sinh, tự bản vô cùng,

Có từ trời đất còn không có gì.

Sinh trời, sinh đất ra uy,

Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.

Cao cao vô tận khôn dò,

Cao hơn Thái cực vẫn cho là thường.

Thẳm sâu, sâu mấy ngàn muôn,

Sâu hơn vũ trụ, mà nhường không hay.

Lâu lai nào kể tháng ngày,

Trước trời trước đất, lâu này lâu chi.

Sống từ muôn thủơ vẫn y,

Ngàn muôn tuổi thọ đã gì già nua.

Hi Vi, Hoàng Đế, Kiên Ngô,

Kham Phi, Chuyên Húc đã nhờ thần thông.

Đạo trời soi sáng cõi lòng,

Mới thành thần thánh, sống cùng trời mây.

Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,

Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được ngài.

Mới nên thần thánh tuyệt vời,

Ngự cung Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.

Biết bao thỏ lặn ác tà,

Hai vầng nhật nguyệt khôn qua Đạo Trời.

Kìa như Bắc đẩu thảnh thơi,

Cũng nhờ Đạo cả, mới ngôi cửu trùng.

Đạo Trời ngẫm thực vô cùng,

Bao nhiêu quyền phép thần thông nhiệm mầu. [13]

A. Nói rằng Đạo vô biên thể, Đạo là tông tổ vạn hữu thì đó là một chuyện dễ nói, đạo gia nào cũng nói được như vậy. Hoài Nam tử 淮 南 子 cũng đã viết: «Lúc còn là toàn thể, thời như là thuần phác, lúc đã phát tán, thời y như là đục ngầu; đục rồi dần dần lại trong, vơi rồi dần dần lại đầy, lặng lẽ như vực sâu, phơ phất như mây nổi; tựa như không mà vẫn có, tựa như mất mà vẫn còn, tất cả vạn vật, vạn sự đều phát xuất từ một cửa Đạo.»[14]

B. Còn như nói rằng Đạo lồng trong vạn hữu, thì chỉ những bậc chân sư mới dám nói. Lão tử đã đề xướng chủ trương này nơi chương này. Trang tử cũng đã long trọng chủ trương như vậy trong thiên Tri Bắc du, đoạn F, khi ông đối thoại với Đông Quách tử. Wieger đã dịch rất thoát ý phần kết đoạn ấy như sau: «Xin đừng hỏi Đạo ở trong đây hay đó. Đạo ở trong lòng vạn vật. Vì thế người ta mới gọi Đạo là lớn, là tuyệt luân, là toàn bích, là phổ quát, là viên mãn. Tất cả những từ ngữ đó đều áp dụng cho một thực thể duy nhất đó là Bản thể vũ trụ[15]

Lão tử chủ trương Đạo có trước mọi hiện tượng; nơi chương 25, Đạo đức kinh, ta thấy viết:

Có một vật an nhiên tự hữu,

Trước đất trời vĩnh cửu, tự thành.

Tịch liêu, vắng ngắt vắng tanh,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Muôn vàn chẳng chút đổi thay,

Đó đây quanh khắp, đó đây chẳng chồn.

Sinh muôn vật mẹ muôn thiên hạ,

Tính danh ngài ta há biết sao,

Tên ngài phải gọi thế nào,

Gọi liều là Đạo, gọi ào là To.

Vì quá to nên xa thăm thẳm,

Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề,

Đạo to, to lớn muôn bề...

Câu «Tượng Đế chi tiên» 象 帝 之 先 này đã làm điên đầu các nhà bình giải châu Âu, vì đối với châu Âu Thượng đế là tuyệt đối, là rốt ráo rồi, thì sao lại có thể nói được rằng Đạo có trước Thượng đế. Thực ra vấn đề này cũng dễ bình giải, nếu chúng ta nhận định rằng các nhà huyền học trong đó có Lão tử, đều chấp nhận rằng: Tuyệt đối có hai phương diện:

: Tuyệt đối chưa hiển dương; Hữu : Tuyệt đối đã hiển dương.

Tuyệt đối chưa hiển dương, Lão tử gọi là Vô hay là Đạo . Tuyệt đối đã hiển dương, Lão tử gọi là Hữu hay là Đế . Như vậy nói rằng Đạo có trước Thượng đế thực ra cũng không sai quấy gì. Châu Âu thực ra cũng đã có quan niệm này từ lâu đời.

Xưa Hésiode (thế kỷ 8 trước công nguyên) đã có lần nhắc tới. Đối với Hésiode «Hồng mông» không phải là «hư vô tuyệt đối» mà là một cái gì vô định và bất khả tư nghị có trước trời đất và thần minh». [16]

Vả lại, từ ngữ châu Âu cũng đã có những chữ: GodheadGod; DeitéDieu. Cũng như Bà la môn có chữ: Brahma Brahman.

Ramakrishna cũng đã nói: «Khi ta nghĩ đến thực thể tối cao dưới hình thức thái tĩnh (Nishkriya) ta gọi Ngài là Thượng đế siêu việt tuyệt đối (Shuddha Brahman), còn khi ta nghĩ đến Ngài dưới hình thức hoạt động, tạo dựng, gìn giữ hay hủy hoại, ta gọi Ngài là Shakti hay Thượng đế hữu ngã [17]

Tóm lại, theo tôi, phân tuyệt đối thành Vô , Hữu , hay Hữu ngã 有 我, Vô ngã 無 我, chỉ là những phân biệt của gian trần. Sau trước cũng chỉ có một Tuyệt đối. Đó là điều mà tôi đã chủ trương trong tập Vô cực luận 無 極 論.


[1] Xung : rỗng, trống không. Hoài Nam tử 淮 南 子 (tr. 11b) có câu: Xung nhi từ doanh 沖 而 徐 盈.

[2] Hoặc : Duyvendak giải: rỗng nhưng từ từ lại đầy, đổi thành chữ cửu .

[3] Doanh : đầy, không hết. (Cao Hanh 高 亨 giải)

[4] Uyên : 1. vực; 2. sâu.

[5] Tông : tông tổ; gốc.

[6] Tỏa : bẻ.

[7] Nhuệ : nhọn.

[8] Phân : rối rít, rối rắm.

[9] Trạm : 1. sâu; 2. trong.

[10] Hoặc tồn 或 存: Duyvendak sửa là cửu tồn 久 存 (bền vững, lâu dài).

[11] Tượng : hình như (Cf. Legge).

[12] Đế : Vương Bật 王 弼 giải là Thiên đế 天 帝. Legge, Wieger đều giải là Thượng đế 上 帝.

[13] Cf. Trang Tử Nam hoa kinh 莊 子 南 華 經, chương 6, Đại tông sư 大 宗 師, D.

[14] Cf. Hoài Nam tử 淮 南 子, tr. 11b. Tứ bộ bị yếu 四 部 備 要: «Kỳ toàn dã thuần hề nhược phác, kỳ tán dã hồn hề nhược trọc. Trọc nhi từ thanh, sung nhi từ doanh, đạm hề kỳ nhược thâm uyên, tấn hề kỳ nhược phù vân. Nhược vô nhị hữu, nhược vong nhi tồn. Vạn vật chi tổng giai duyệt nhất khổng, bách sự chi căn giai xuất nhất môn.» 其 全 也 純 兮 若 樸, 其 散 也 混 兮 若 濁. 濁 而 徐 清, 沖 而 徐 盈, 澹 兮 其 若 深 淵, 汛 兮 其 若 浮 雲. 若 無 而 有, 若 亡 而 存. 萬 物 之 總 皆 閱 一 孔, 百 事 之 根 皆 出 一 門.

[15] «Ne demandez pas si le Principe est dans ceci ou dans cela. Il est dans tous les êtres. C’est pour cela qu’on lui donne les épithètes de Grand, de suprême, d’entier, d’universel, de total. Tous ces termes différents, s’appliquent à une seule et même réalité, à l’unité cosmique.» Cf. Wieger, Les pères du système Taoïste, Tchouang Tzeu, chap. 22, F, p. 395.

Câu «Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần» sẽ còn được thấy nơi chương 56, và Duyvendak đem đoạn này xuống nơi chương 56, theo lối Mã Tự Luân và Trần Tử. Nhưng làm như vậy, mặc nhiên đã bỏ đi mất một nhận xét tối ư quan trọng về Đạo, đó là nhận xét: «Đạo chẳng xa lìa vạn hữu.»

[16] Le mythe à la fois théogonique et cosmogonique à été repris, on le sait, par Hésiode. Le Chaos, répétons-le, n’est pas exactement le néant absolu, c’est quelque chose d’indéterminé et d’indéfinissable qui précède l’être au monde et des dieux. --  Claude Tresmontant, P. E. D. p. 76.

[17] Quand on pense à l’Être suprême sous son aspect inactif (nishkriya), on le nomme Dieu absolu (Shuddha-Brahman) et quand on le représente sous son aspect actif et créant, soutenant et détruisant, on le nomme Shakti ou divinité personnelle. --  L’Enseignement de Ramakrishna, p. 475.