ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 12

KIỂM DỤC

檢 欲

Hán văn:

五 色 令 人 目 盲. 五 音 令 人 耳 聾. 五 味 令 人 口 爽. 馳 騁 田 獵 令 人 心 發 狂. 難 得 之 貨, 令 人 行 妨. 是 以 聖 人 為 腹 不 為 目. 故 去 彼 取 此.

Phiên âm:

1. Ngũ sắc lịnh [1] nhân mục manh.[2] Ngũ âm lịnh nhân nhĩ lung.[3] Ngũ vị lịnh nhân khẩu sảng.[4] Trì sính [5] điền liệp [6] lịnh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc chi hóa, lịnh nhân hành phương.[7]

2. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục. Cố khứ bỉ thủ thử.

Dịch xuôi:

1. Năm màu khiến người mù mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải khó được, khiến người bị tai hại.

2. Bởi vậy, thánh nhân vì bụng không vì mắt. Nên bỏ cái kia, lấy cái này.

Dịch thơ:

1. Sắc năm màu làm ta choáng mắt,

Thanh năm cung ngây ngất lỗ tai.

Năm mùi tê lưỡi mềm sai,

Ruổi rong săn bắn, lòng người hóa điên.

Của hiếm có ngả nghiêng nhân đức,

Khinh giác quan, giữ chắc lòng son.

2. Thánh nhân hiểu lẽ mất còn.

BÌNH GIẢNG

Các lời khuyên của Lão tử trên đây rất hữu ích cho công phu tu luyện.

Như ta đã biết Lão tử là một nhà huyền học. Mà Huyền học là sự vươn vượt lên trên thế giới hiện tượng hữu hình để đạt tới Chân thể nấp sau bức màn hiện tượng. [8]

Nhà huyền học là một người «phản vọng, qui chân», bỏ điều sai lạc, trở về cùng chân lý»,[9] không hướng ngoại, mà trở về tâm điểm tâm thần. [10]

Muốn hướng nội, để tìm ra thiên chân thiên thể, cần phải thoát mọi phiền trược, thúc phọc bên ngoài, cần phải định thần, tĩnh trí. Chính vì vậy, mà những thú vui giác quan bên ngoài trở thành chướng ngại. Chúng làm cho tản thần, hao khí; chúng làm cho tâm hồn trở nên bất định không hoàn toàn chuyên chú vào được vấn đề trọng đại nhất của người tu đạo, là thực hiện thiên chân.

Những nhà huyền học chân chính thường sống rất thâm trầm nơi tâm khảm, nơi mà «tiểu ngã» trở nên vô nghĩa, vì «tâm hồn» tiếp xúc với nguồn sống của đại thể... [11]

Vì thế cho nên họ rất sợ những cám dỗ ngoại lai, mặc dầu là những cám dỗ nhỏ nhặt.

Thánh Jean de la Croix viết: «... Tâm hồn bị sa lầy trong tình ái, mắc mứu trong cạm bẫy của dục vọng và lòng vị kỷ, dầu là nhỏ nhoi mấy chăng nữa, cũng bị ngăn cản không thể vươn mình lên đến Chân Thiện. Sự luyến ái tạo vật đó đã thành trở ngại lớn lao không cho tâm hồn phối kết với Thượng Đế.» [12]

Các vị thiền sư cũng cho rằng lòng khát khao sự vật sẽ tạo nên một trạng thái sắc tướng, một trạng thái nô lệ. Vì thế nên họ muốn đời sống mình vô sắc tướng.[13]

Lại nói:

Mảng vui là mất khinh phiêu,

Khinh thường hoan lạc, có chiều trường sinh. [14]

Suy ra ta mới hiểu tại sao xưa nay tại sao có nhiều người lại đi ẩn tu trong các tu viện, hoặc nơi sa mạc hoang vu. Đó là vì họ đã chọn đời sống tinh thần vĩnh cửu, thay vì đời sống giác quan tạm bợ.

Trong các pháp môn tu luyện, ta lại thấy môn «thiền định» là quan trọng và phổ quát hơn cả, mà thiền định chính là khép cửa giác quan, vận khí, điều thần, tập trung tư tưởng, thần trí, để cuối cùng đi đến chỗ cao siêu nhất là xuất thần nhập định, huyền hóa với Đại đạo.

Trang tử gọi thế là «Tọa vong».[15]

Tóm lại chương này khuyên ta hãy rũ bỏ cái phù hoa sắc tướng bên ngoài, để giữ gìn cái «Ta» thiên nhiên, chân thực, giữ gìn lấy cái Đại ngã siêu linh, vô sắc tướng.

Trong khi vạn sự, vạn loài trong vũ trụ phá tán và hủy hoại hình thể mình,[16] thì nhà huyền học cố thu thần định trí, hồi quang phản chiếu, như vậy có phải là đã thoát ly được mọi định luật chi phối vạn vật không, và đã siêu thoát không?


[1] Lịnh : hay lệnh, khiến.

[2] Manh : mù.

[3] Lung : điếc.

[4] Sảng : sai.

[5] Trì sính 馳 騁: rong ruổi.

[6] Điền liệp 田 獵: săn bắn. Săn mùa Xuân gọi là Điền ; Săn mùa Hạ gọi là Miêu ; Săn mùa Thu gọi là Tiễn ; Săn mùa Đông gọi là Liệp (lạp) , vì thế săn bắn mới gọi là Điền liệp (lạp) 田 獵.

[7] Phương : tổn thương hư hỏng.

[8] The hermetic science is a method of transcending the phenomenal world and attain to the realty which is behind phenomena. --   Everlyn Underhill, Mysticism, p. 181.

[9] Xem Đạo đức kinh giải nghĩa, tr. 17a.

[10] Not outward bound, but rather on the journey to its centre. --   Evelyn Underhill, Mysticism, p. 123.

[11] In the deepest recesses of her (St. Teresa) spirit, in that unplumbed abyss where selfhood ceases to have meaning and the individual soul touches the life of the All, distinction vanished and she «saw God in a point». --   Everlyn Underhill, Mysticism, p. 123.

[12] L’Âme est englouée dans ses affections, prise au piège de ses passions et de son égoisme, même infime, et se trouve ainsi empêchée de s’élancer vers son véritable bien. C’est cet attachement à la créature qui constitue l’obstacle majeur à l’union de l’âme avec Dieu. St Jean de la Croix, p. 114.

[13] La soif des choses produit l’état coloré que le Yogi considère comme une servitude, un esclavage. C’est l’état incolore qu’il s’impose à sa vie. --   Ernest E. Wood, La Pratique du Yoga, p. 31.

[14] Celui qui accapare une joie,

 Détruit la vie ailée.

 Celui qui embrasse la joie au passage,

 Vit dans l’aurore de l’éternité.

Ib. p. 32.

[15] Xem Nam Hoa kinh, Đại tông sư, J và Trí Bắc Du, C.

[16] All the phenomena of nature visible and invisible, within the atom and in outer space, indicate that the substance and energy of the universe are inexorably diffusing like vapor through the insatiable void. The sun is slowly but surely burning out, the stars are dying embers, and everywhere in the cosmos, heat is turning to cold, matter is dissolving into radiation, and energy is being dissipated into empty space. --   Lincoln Barnett, The Universe and Dr Einstein, p. 110.