ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 66

HẬU KỶ [1]

後 己

Hán văn:

江 海 所 以 能 為 百 谷 王 者, 以 其 善 下 之, 故 能 為 百 谷 王. 是 以 欲 上 民 必 以 言 下 之. 欲 先 民 必 以 身 后 之. 是 以 聖 人 處 上 而 民 不 重, 處 前 而 民 不 害. 是 以 天 下 樂 推 而 不 厭, 以 其 不 爭.

Phiên âm:

1. Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi. Cố năng vi bách cốc vương.

2. Thị dĩ dục thượng dân tất dĩ ngôn hạ chi. Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi. Thị dĩ thánh nhân xử thượng nhi dân bất trọng, xử tiền nhi dân bất hại. Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm, dĩ kỳ bất tranh.

Dịch xuôi:

1. Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm hang suối.

2. Bởi vậy, muốn ngồi trên dân, ắt phải lấy lời mà hạ mình muốn đứng trước dân, ắt phải để thân mình ra sau. Vậy nên, thánh nhân ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy hại. Cho nên thiên hạ thích thôi thúc (cổ võ) mà không chán. Vì không tranh, nên thiên hạ không tranh với mình.

Dịch thơ:

1. Sông biển kia cớ sao mà trọng,

Nước muôn khe thao túng vì đâu.

Biển sông vì thấp vì sâu,

Cho nên mới được đứng đầu muôn khe.

2. Muốn cao cả, ngôi che nhân thế,

Phải hạ mình nhỏ nhẹ khiêm cung.

Cầm đầu phải ẩn sau lưng,

Mình sau người trước chứ đừng kiêu căng.

Cho nên những nhân quân thánh đế,

Ở trên dân dân nhẹ như không.

Trước dân dân vẫn nức lòng,

(Kẻ tung người hứng như rồng gặp mây.)

Dạ vốn chẳng toan bày tranh chấp,

Thế cho nên chẳng gặp đấu tranh.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử lại dạy người trên phải hạ mình khiêm cung.

Lão tử cho rằng nếu người trên khiêm cung sẽ làm cho lòng muôn dân qui tụ về; cũng như sông biển vì ở chỗ thấp nên nước muôn khe đều đổ xuống. Nơi chương 8 ta cũng đã thấy câu: «Thượng thiện nhược thủy.» 上 善 若 水.

Lão tử cho rằng người trên lời ăn tiếng nói phải từ tốn, tác phong cử chỉ phải cho lễ độ. Nơi chương 39 và 42, Lão tử cũng đã chứng minh rằng các bậc vương hầu xưa thường xưng mình là:

- Cô (côi cút)

- Quả ( bạc đức)

- Bất cốc 不 穀 (Không lành)

Nơi chương 61, Lão tử cũng đã khuyên: «Đại giả nghi vi hạ.» 大 者 宜 為 下 (Kẻ cả thời phải hạ mình.) Tư tưởng của Lão tử cũng giống tư tưởng của Dịch kinh. Dịch Kinh hết sức đề cao sự khiêm cung. Dịch Kinh nơi Thoán truyện quẻ Khiêm viết đại khái như sau:

Thoán rằng: Khiêm tốn mới hay,

Trời kia giúp dưới nên đầy quang minh.

Đất kia chốn thấp phận đành,

Thấp nên mới có công trình vươn cao.

Trời làm vơi chốn dồi dào,

Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.

Đất xoi mòn bớt cao phong,

Để cho lòng biển lòng sông thêm đầy.

Quỉ thần hại kẻ no đầy,

Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.

Người thường ghét kẻ thừa dùng,

Còn người khiêm tốn thực lòng thời ưa.

Trên Khiêm thì sáng mãi ra,

Dưới Khiêm ai kẻ hơn ta được nào.

Khiêm cung giữ vẹn trước sau,

Rồi ra quân tử gót đầu hanh thông. [2]

Cuối cùng Lão tử dạy người trên không nên tranh chấp, như vậy sẽ thoát tranh chấp. Chương 22 Đạo Đức Kinh cũng đã thấy viết: «Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.» 夫 唯 不 爭 故 天 下 莫 能 與 之 爭.

Nếu ta nghịch với người, người sẽ nghịch với ta; nếu ta ưa gây mâu thuẫn, người cũng sẽ ưa gây mâu thuẫn với ta. Bằng nếu ra hòa dịu, thuận xử với người âu người cũng sẽ hòa dịu thuận xử với ta. Đó là một định luật nhân sinh vậy!


[1] Xem thêm chương 67, đoạn 2: Tam viết mạc cảm vi thiên hạ tiên. 三 曰 莫 敢 為 天 下 先.

[2] Thoán viết: Khiêm, hanh. Thiên đạo hạ tế nhi quang minh. Địa đạo ti nhi thượng hành. Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm. Địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm. Quỉ thần hại doanh nhi phúc khiêm. Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du. Quân tử chi chung dã. 彖 曰 :謙 亨 . 天 道下 濟 而 光 明 . 地 道 卑 而 上 行 . 天 道 虧 盈 而 益 謙 . 地 道 變 盈 而 流 謙 . 鬼 神 害 盈 而 福 謙 . 人 道 惡 盈 而 好 謙 . 謙 尊 而 光,卑 而 不 可 踰 . 君 子 之 終 Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập II (Thượng Kinh), tr. 212.