ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 30
KIỆM VŨ
儉 武
Hán văn:
以 道 作 人 主 者 不 以 兵 強 天 下.
其 事 好 還. 師 之 所 處,
荊 棘 生 焉. 大 軍 之 後,
必 有 凶 年. 故 善
者 果 而 已; 不 敢 以 取 強;
果 而 勿 矜; 果 而 勿 伐;
果 而 勿 驕; 果 而 不 得 已;
果 而 勿 強. 物
壯 則 老, 是 謂 非 道,
非 道 早 已.
Phiên âm:
1. Dĩ Đạo tác
nhân chủ giả bất dĩ binh cưỡng thiên hạ.
Kỳ sự hiếu hoàn. Sư chi sở xử, kinh cức sinh yên. Đại quân chi hậu, tất
hữu hung niên.
2. Cố thiện giả quả
nhi dĩ; bất cảm dĩ thủ cường; quả nhi
vật căng; quả nhi vật phạt; quả nhi vật kiêu; quả nhi bất đắc dĩ; quả
nhi vật cường.
3. Vật tráng tắc Lão, thị vị phi Đạo,
phi Đạo tảo dĩ.
Dịch xuôi:
1. Ai coi Đạo là vua (thiên hạ) không
dùng binh mà bức thiên hạ. Chiến tranh có vay có trả Chỗ quân sĩ đóng,
gai góc sẽ sinh. Sau trận chiến lớn, ắt có những năm tai ương.
2. Cho nên người khéo sẽ giải quyết
(trận chiến) một cách mau lẹ, mà không ỷ sức mạnh; giải quyết mau lẹ mà
không khoe khoang; giải quyết mau lẹ mà không tự khen; giải quyết mau lẹ
mà không kiêu căng; giải quyết mau lẹ vì bất đắc dĩ; giải quyết mau lẹ
mà không muốn trở nên mạnh mẽ.
3. Vật lớn mạnh ắt già; Như vậy là
trái Đạo; trái Đạo sẽ mất sớm.
Dịch thơ:
1.
Ai coi Trời là vua muôn nước,
Chẳng hưng binh, tính cuộc chiến tranh.
Chiến tranh phản phúc tung hoành,
Bao nơi quân lữ đã thành góc gai.
Sau vó ngựa những người chiến sĩ,
Là những năm rầu rĩ lầm than.
2.
Tướng tài dẹp loạn mau tan,
Nhưng mà chẳng dám khoe khoang sức mình.
Tuy đánh mạnh, chẳng vinh vì thế,
Chẳng kiêu căng, chẳng kể công lao.
Ép tình nên chẳng hùng hào,
Chứ đâu có muốn đề cao sức mình.
3.
Khi sức lực phong doanh thịnh tráng,
Thời già nua, suy giảm theo sau.
Cậy tài cậy mạnh hay đâu,
Đi sai Đạo lý, trước sau chẳng bề.
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử khuyên không nên
dụng binh, dụng võ, vì binh đao gây họa không cùng. Nếu cần dùng đến võ
lực, thì cũng chỉ dùng trong những trường hợp bất khả kháng chứ đừng nên
cậy mạnh, cậy thế, đừng nên dùng binh đao để xâm lăng.
Tư tưởng của Lão tử phản ảnh lại tư
tưởng của Dịch và của cổ nhân về chiến tranh.
-
Dịch coi chiến tranh như là cái gì độc hại (xem quẻ Sư, phần Thoán). Nên
mỗi khi hưng binh động chúng, phải có chính nghĩa (quẻ Sư, phần Thoán).
-
Chỉ nên hưng binh động chúng để tự vệ (quẻ Sư, hào lục ngũ).
-
Đã hưng binh động chúng, cần phải chọn tướng tài chỉ huy (quẻ Sư, hào
hai) và cần phải biết phép dùng binh (quẻ Sư, hào Sơ)
Người xưa chỉ dùng sức mạnh, dùng võ
lực để:
-
Thế thiên trừ bạo.
-
Bảo vệ những di sản tinh thần của tiền nhân.
Vì thế chỉ khi cần mới mộ binh; Hết
giặc lại cho binh sĩ về làng. Chính vì thế mà chữ Vũ
武
gồm hai chữ «chỉ qua»
止 戈
(ngừng gươm giáo) và ngụ ý dùng vũ lực để ngăn chiến tranh.
Người tướng tài tuyệt đối không được
cho quân tham đến tài sản tính mệnh của dân chúng. Đó là đường lối của
vua Thành Thang khi hưng binh đánh vua Kiệt và của Vũ Vương khi hưng
binh đánh vua Trụ. Chủ trương này được dân chúng hết sức hoan nghênh.
Binh pháp Tư Mã Nhương thư có câu:
«Đánh giặc giỏi nhất là dùng mưu; thứ đến là dùng ngoại giao, thứ nữa là
dùng binh; thứ nữa là đánh phá thành lũy.
Cũng nên nhắc lại rằng khi Vũ Vương
dẹp xong Trụ Vương, liền đem trâu trận, ngựa chiến phóng thích nơi miền
núi Hoa Dương và miền đồng Đào Lâm để tỏ ý sẽ dùng văn để mà cai trị,
cải hóa thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực.
Sau này nhân loại càng ngày càng tỏ ra
cuồng bạo: mỗi khi có chiến tranh, dân chúng, binh sĩ chết không biết cơ
man nào. Bạch Khởi giết trong một đêm 40 vạn hàng binh Triệu, làm cho
máu chảy đầy sông Dương Cốc.
Hạng Võ giết dân chúng Hàm Dương hơn
4600 mạng, thây chất đầy chợ, máu chảy như sông.
Đến thời văn minh chúng ta bây giờ chiến tranh lại càng tàn phá khốc
liệt, không còn biết phân biệt đâu là dân, đâu là quân, đâu là có tội,
đâu là vô tội.
Có một điều đáng lưu ý là Lão tử cũng như kinh Dịch không hoàn toàn hô
hào dẹp bỏ binh đao, vũ lực, mà chỉ khuyên nên hết sức thận trọng trong
việc dùng vũ lực. Có lẽ như vậy, sát với thực tế hơn.
Các bản thường viết là tá
佐.
|