ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 25
TƯỢNG NGUYÊN
象 元
Hán văn:
有 物 混 成,
先 天 地 生. 寂 兮,
寥 兮, 獨 立 而 不 改.
周 行 而 不 殆. 可 以 為 天 下 母.
吾 不 知 其 名; 字 之 曰 道,
強 為 之 名 曰 大.
大 曰 逝. 逝 曰 遠.
遠 曰 反. 故 道 大,
天 大,
地 大, 王 亦 大.
域 中 有 四 大, 而 王 居 其 一 焉.
人 法 地, 地 法 天,
天 法 道, 道 法 自 然.
Phiên âm:
1. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa
sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả
dĩ vi thiên hạ mẫu.
2. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết
Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết
phản.
3. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại,
vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân
pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.
Dịch xuôi:
1. Có một vật hỗn độn mà nên, sinh
trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi
khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ.
2. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó
là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại.
3. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn.
Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt
chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự
nhiên.
Dịch thơ:
1. Có một đấng an nhiên tự hữu,
Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.
Tịch liêu, vắng ngắt, vắng tanh,
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Muôn vàn chẳng chút đổi thay,
Đó đây quanh quất, đó đây chẳng chồn,
Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ.
2. Tính danh người ta há biết sao,
Tên Ngài phải gọi thế nào,
Gọi liều là Đạo, xưng ào là To.
Vì quá to, nên xa thăm thẳm,
Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề.
3. Đạo to, to lớn muôn bề,
Trời to, đất lớn, Người (khoe) lớn (quyền).
Bốn trọng đại trong miền Vũ trụ,
Người nghiễm nhiên được ghé một vai.
Người theo khuôn phép đất đai,
Khuôn trời đất lấy, Đạo cai quản Trời.
Tự nhiên, Đạo cứ thảnh thơi.
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử lại tiếp tục bình về
Đạo. Đại cương vẫn là:
1. Đạo là căn nguyên vạn hữu.
2. Đạo vô hình tướng, nên không thể
nào đặt tên cho xứng
3. Đạo vô bất tại. (James Legge cho
rằng những chữ «Đại, thể, viễn, phản» tương đương với chữ vô
bất tại).
Đạo là Nguyên lý, nên tam tài (Trời,
Đất, Người) đều do đạo xuất sinh. Đạo Nho cho rằng người là một ngôi
trong Tam tài. Lão tử lại cho rằng Người là một ngôi trong «tứ Đại»
(Đạo, Thiên, Địa, Nhân). Tuy nhiên, hai đằng vẫn nói lên sự cao trọng
của con người.
Vả lại, đường lối con người chung qui
là phải khuôn theo trời đất, phải khuôn theo Đạo. Mà Đạo thời «tự
nhiên». Cho nên đạt tới mức sống «Tự nhiên» là mức sống cao siêu nhất.
Lưu Tư, tác giả quyển «Bạch thoại
dịch giải Lão tử» đã toát lược trong ĐĐK và phân loại của Lão tử
trong ĐĐK về Đạo như sau:
1. Khi
gọi tên Đạo 道,
Lão tử dùng những chữ:
-
Đạo
道
(chương 1, 4, 21, 23, v. v.)
-
Nhất
一
(ch. 10, 22)
-
Cốc thần
谷 神
(ch. 6)
-
Huyền tẫn
玄 牝
(ch. 6)
2. Khi tả hình dáng của Đạo, Lão tử nói:
-
Hoảng hề, hốt hề
恍 兮 惚 兮
(ch. 21)
-
Ảo hề, minh hề
窈 兮 冥 兮
(ch. 21)
-
Vô trạng chi trạng
無 狀 之 狀
(ch. 14)
-
Vô trạng chi tượng
無 狀 之 象
(ch. 14)
-
Thị chi bất khả kiến
視 之 不 可 見
(ch. 14)
-
Thính chi bất khả văn
聽 之 不 可 聞
(ch. 14)
-
Nghinh chi bất kiến kỳ thủ
迎 之 不 見 其 首 (ch. 14)
-
Tùy chi bất kiến kỳ hậu
隨 之 不 見 其 後 (ch. 14)
3. Khi đề cập gốc Đạo, Lão tử nói:
-
Đế tượng chi tiên
帝 象 之 先
(ch. 5)
-
Tiên thiên địa sinh
先 天 地 生
(ch. 25)
4. Nói về sự vận hành của Đạo Lão tử nói:
-
Độc lập nhi bất cải
獨 立 而 不 妀
(ch. 25)
-
Chu hành nhi bất đãi
周 行 而 不 殆
(ch. 25)
-
Kỳ thượng bất kiểu
其 上 不 皎
(ch. 14)
-
Kỳ hạ bất muội
其 下 不 昧
(ch. 14)
5. Nói về cái dụng của Đạo, Lão tử viết:
-
Uyên hề tự vạn vật chi tông
淵 兮 似 萬 物 之 宗
(ch. 4)
-
Dĩ duyệt chúng phủ
以 閱 眾 甫
(ch. 21)
-
Hầu vương nhược năng thủ chi vạn vật tương tự tân
侯 王 若 能 守 之 萬 物 將 自 賓
(ch. 32)
-
Vạn vật đặc chi nhi sinh
萬 物 恃 之 而 生
(ch. 34)
-
Đạo thường vô vi nhi vô bất vi
道 常 無 為 而 無 不 為
(ch. 39)
-
Thiên đắc nhất dĩ thanh; Địa đắc nhất dĩ ninh; Thần đắc Nhất dĩ linh;
Cốc đắc Nhất dĩ doanh; Vạn vật đắc Nhất dĩ sinh; Hầu vương đắc Nhất dĩ
thiên hạ trinh.
神 得 一 以 靈;
谷 得 一 以 盈; 萬 物 得 一 以 生;
侯 王 得 一 以 天 下 貞
(ch. 39)
-
Đạo sinh Nhất; Nhất sinh nhị; nhị sinh tam; tam sinh vạn vật
道 生 一;
一 生 二; 二生 三 三 生 萬 物,
v.v. (ch. 42)
Thực ra, Lão tử còn có nhiều đoạn khác luận về Đạo nhưng sự cố gắng của
Lưu tiên sinh khi thu nhập và phân phối những dữ kiện trên cũng đã hết
sức đáng khen ngợi. |