ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 61

KHIÊM ĐỨC

謙 德

Hán văn:

大 國 者 下 流, 天 下 之 交, 天 下 之 牝. 牝 常 以 靜 勝 牡, 以 靜 為 下. 故 大 國 以 下 小 國, 則 取 小 國; 小 國 以 下 大 國, 則 取 大 國. 故 或 下 以 取, 或下 而 取. 大 國 不 過 欲 兼 畜 人. 小 國 不 過 欲 入 事 人. 夫 兩 者 各 得 其 所 欲. 大 者 宜 為 下.

Phiên âm:

1. Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn.

2. Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ tĩnh vi hạ. Cố đại quốc dĩ hạ tiểu quốc, tắc thủ tiểu quốc; tiểu quốc dĩ hạ đại quốc, tắc thủ đại quốc. Cố hoặc hạ dĩ thủ, hoặc hạ nhi thủ. Đại quốc bất quá dục kiêm súc nhân. Tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân. Phù lưỡng giả các đắc kỳ sở dục. Đại giả nghi vi hạ.

Dịch xuôi:

1. Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là giống cái của thiên hạ.

2. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nếu nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ, thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nếu nước nhỏ mà hạ mình trước nước nhớn thời sẽ được lòng nước nhớn. Cho nên hoặc hạ mình để mà chinh phục, hoặc hạ mình để được lòng. Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý thích. Kẻ lớn nên hạ mình.

Dịch thơ:

1. Nếu nước lớn hạ mình từ thượng,

Khắp mọi nơi sẽ hướng chiều về,

Đó đây qui tụ thỏa thuê,

Y như một mái làm mê cả bầy.

2. Con mái kia thơ ngây thuần thục,

Tưởng kém hèn mà đực vẫn thua.

Nước to chẳng cậy mình to,

Sẽ làm nước nhỏ phải ưa thích mình.

Nên nước nhỏ chẳng kênh chẳng kiệu,

Nước to kia sẽ liệu chở che.

Dù chinh, dù phục hai bề,

Biết đường khiêm tốn đề huề mới ngoan.

Nước lớn thích lo toan chỉ vẽ,

Nước nhỏ mong dựa thế nương uy,

Hai bên đều được thỏa thuê,

Đã là kẻ cả chớ chê hạ mình.

BÌNH GIẢNG

Nơi chương này Lão tử cho chúng ta một nguyên tắc hướng dẫn cuộc bang giao quốc tế.

Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ. Nước nhỏ không phải là để, kèn cựa, ganh tị với nước nhớn, mà là để thuận phục nước nhớn.

Các nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng võ lực. Nước nhớn biết tỏ ra khiêm tốn không khinh khi nước nhỏ, thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng chiều về.

Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước nhớn sẽ vui lòng bảo trợ. Như vậy cả hai bên đều lợi và như vậy thế giới mới mong an bình.

Và đây là thái độ khiêm cung của Hán Văn Đế và Triệu Đà trong công cuộc bang giao Hoa Việt. Hán Văn Đế sau khi lên ngôi, sai Lục Giảo đưa thư sang khuyên Vũ Đế (Triệu Đà) về thần phục nhà Hán. Hán Văn Đế dùng những lời lẽ hết sức nhún nhường để khuyên Triệu Đà bỏ đế hiệu mà chịu thần phục nhà Hán. Quả nhiên Triệu Đà cảm kích, phúc thư một cách hết sức khiêm cung kính cẩn, và xin chịu bỏ đế hiệu để thần phục Hán Vũ Đế. [1]

Thế là dùng «Nhu Đạo», dùng sự «Khiêm cung» để mà xây dựng hòa bình thiên hạ vậy.


[1] Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, q. I, tr. 30, 31, 32.