ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 20
DỊ TỤC
異 俗
Hán văn:
絕 學 無 憂.
唯 之 與 阿, 相 去 幾 何.
善 之 與 惡, 相 去
若 何. 人 之 所 畏,
不 可 不 畏. 荒 兮 其 未 央 哉.
眾 人 熙 熙, 如 享 太 牢,
如 登 春 台. 我 獨
泊 兮 其 未 兆, 如 嬰 兒 之 未 孩.
儡 儡 兮 若 無 所 歸.
眾 人 皆 有 餘, 而 我 獨 若 遺.
我 愚 人 之 心 也 哉. 沌 沌 兮 眾 人 昭
昭, 我 獨 昏 昏. 眾 人 察 察,
我 獨 悶 悶.
澹 兮 其 若 海. 飂 兮 若 無 止.
眾 人 皆 有 以 而 我 頑 且 鄙. 我 獨 異
於 人, 而 貴 食 母.
Phiên âm:
1. Tuyệt học vô ưu. Duy
chi dự a,
tương khứ kỷ hà.
Thiện chi dữ ác tương khứ nhược hà.
2. Nhân chi sở úy, bất khả bất úy.
Hoang
hề kỳ vị ương tai.
3. Chúng nhân hi hi
như hưởng thái lao,
như đăng xuân đài.
4. Ngã độc bạc
hề kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài.
Luy luy
hề nhược vô sở qui.
5. Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc
nhược di.
Ngã ngu
nhân chi tâm dã tai. Độn độn hề
chúng nhân
chiêu chiêu,
ngã độc hôn hôn.
Chúng nhân
sát sát,
ngã độc muộn muộn.
Đạm
hề kỳ nhược hải.
Liêu
hề nhược vô chỉ.
Chúng nhân giai hữu dĩ
nhi ngã ngoan
thả bỉ.
6. Ngã độc dị ư nhân, nhi quí thực
mẫu.
Dịch xuôi:
1. Dứt học, hết lo. Dạ với ơi khác
nhau bao lăm? Lành với dữ khác nhau mấy tầm?
2. Cái mà người sợ, ta há không sợ,
nhưng không đến nỗi hoảng hốt mất tinh thần.
3. Người đời hớn hở, như hưởng cỗ bàn,
như lên đài xuân.
4. Riêng ta lặng lẽ, chẳng chút phô
trương, y như trẻ thơ, chưa biết mỉm cười. Dáng điệu phờ phạc, lênh đênh
vô định.
5. Chúng nhân có thừa, riêng ta thiếu
thốn. Lòng ta ngu dốt thay, mù mịt tay. Người đời sáng chói, riêng ta
mịt mù. Vắng lặng như biển khơi, vi vu như gió thổi. Mọi người đều có
chỗ dùng, riêng ta ngu xuẩn, thô kệch.
6. Riêng ta sống khác người, vì không
lìa xa «mẹ thiên nhiên».
Dịch thơ:
1. Rũ tục học, sẽ quên lo lắng,
Dạ với ơi khác đặng bao lăm.
2. Dữ lành khác độ mấy tầm,
Cái điều người sợ, bình tâm được nào.
Nhưng chẳng nỗi ra vào hốt hoảng,
Lo thì lo nhưng chẳng bàng hoàng.
3. Người vui như hưởng cỗ bàn,
Vui như trẩy hội đăng đàn tiết xuân.
4. Riêng ta nín lặng tần ngần,
Như tuồng trẻ nít chưa phân biệt gì.
Ta ngơ ngẩn biết đi đâu tá,
5. Người giàu sang, ta há bị quên!
Lòng ta ngu độn thấp hèn,
Người đời sáng suốt, sao riêng ta đần.
Người xét nét, biện phân mọi lẽ,
Chỉ riêng ta quạnh quẽ, trong suông.
Mênh mang trên mặt trùng dương,
Mặc cho gió cuốn, sóng vương không ngừng.
Ai cũng có chỗ dùng lợi ích,
Chỉ riêng ta thô kệch ương gàn.
Nay ta sống khác nhân gian,
Vì ưa sữa «mẹ muôn ngàn thụ sinh».
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử có ý mô tả sự khác
biệt giữa hai lối sống: (a) Lối sống của thánh nhân; (b) Lối sống của
phàm nhân.
Thánh nhân không mấy bận tâm về nền
«tục học» vì thấy hiểu rằng trong thế giới tương đối này, dở hay, giỏi
dốt cũng chỉ là như tuồng ảo hóa. Có biết nhẽ ấy, sẽ thấy lòng được
thung dung, khinh khoát.
Tục nhân lo cái gì, thánh nhân lo cái
ấy; nhưng tục nhân thì lo đến hốt hoảng mất tinh thần, còn thánh nhân
thì không bao giờ để ngoại cảnh làm xao xuyến tâm thần.
Phàm nhân chạy theo phù du, ảo ảnh bên
ngoài, lao đầu vào những thú ăn chơi, đài các. Thánh nhân thời sống
thanh đạm, bạn bè cùng những thú vui cao khiết tinh thần, nên thường bị
người đời coi là quê kệch, lạc hậu, thoái hóa.
Phàm nhân chạy theo tài lợi, cố súc
tích tài lợi; còn thánh nhân thì lại không am tường những cung cách kiếm
tiền.
Phàm nhân tỏ ra sắc sảo, tính toán
rạch ròi mọi chuyện thế gian; thánh nhân không mấy lưu tâm đến thế sự,
nên khi lâm sự, thường vụng về, ngây thơ, không thể có những thủ đoạn
gian ngoan, xảo nguyệt.
Xét theo tiêu chuẩn thế tục, thì phàm
nhân có vẻ văn minh tân tiến, còn thánh nhân thời lại có vẻ quê mùa,
chất phác, vì một đằng theo rõi thời trang, thời thế; một đằng sống nội
tâm, mà không mấy chú trong đến những hình thức bên ngoài.
Cái khác biệt của thánh nhân là:
Thánh nhân sống phối kết với Đạo, với
Trời, không lìa xa Thiên chân, Thiên thể, còn phàm nhân thì sống xa Đạo,
xa Trời, bị cuốn lôi trong vòng hồng trần tục lụy.
Câu «quí thực mẫu» của Lão tử toát lại
đời sống huyền đồng của các bậc thánh nhân mọi nơi mọi đời.
Câu này làm ta liên tưởng đến một đoạn
sau đây trong quyển Mysticism của Everlyn Underhill:
«Nhà huyền học trực giác được một thế
giới siêu nhiên nằm gọn trong biên cương của lòng sốt mến, và một tâm
hồn siêu thoát tục lụy, nhưng hằng khao khát muốn vươn lên cho tới Tuyệt
đối; chỉ vừa lòng khi được sống phối hợp với Thượng đế. Lúc ấy, theo sự
mô tả của Patmore, thánh nhân sẽ như «trẻ thơ còn ngậm vú mẹ Tạo Hóa»
hay như «người tình đã tìm lại được người tình».
Duy 唯:
dạ (với ý cung kính).
A 阿:
ơi (với ý khinh thường).
Kỷ hà 幾
何: là bao.
Nhược hà
若 何:
là bao. (Có sách viết là Hà nhược).
Hoang 荒:
rộng lớn, hoang vu.
Vị ương
未 央: không bờ bến.
Hi hi 熙
熙: vui vẻ.
Thái lao
太 牢:
yến tiệc lớn.
Bạc 泊:
yên lặng, thuần phác.
Hài 孩:
cười.
|