ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 23

HƯ VÔ

虛 無

Hán văn:

希 言 自 然. 飄 風 不 終 朝, 驟 雨 不 終 日. 孰 為 此 者, . 天 地 尚 不 能 久, 而 況 於 人 乎. 故 從 事 於 道 者. 道 者 同 於 道. 德 者 同 於 德. 失 者 同 於 失. 同 於 道 者, 道 亦 樂 得 之. 於 德 者, 德 亦 樂 得 之. 同 於 失 者, 失 亦 樂 得 之. 信 不 足 焉, 有 不 信 焉.

Phiên âm:

1. Hi ngôn tự nhiên.

2. Phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật. Thục vi thử giả, thiên địa. Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ.

3. Cố tòng sự ư Đạo giả. Đạo giả đồng ư Đạo. Đức giả đồng ư Đức. Thất giả đồng ư thất. Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi. Đồng ư Đức giả, Đức diệc lạc đắc chi; đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi. [1]

4. Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.

Dịch xuôi:

1. Ít nói, (sống) tự nhiên,

2. Vì gió lốc không suốt sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm những chuyện ấy? Trời, Đất. Trời Đất còn không thể lâu, huống nữa người.

3. Cho nên theo Đạo thì đồng với Đạo. Theo Đức thì đồng với Đức. Theo mất thì đồng với mất. Đồng với Đạo, đạo vui tiếp đó. Đồng với Đức, Đức vui tiếp đó. Đồng với thất, thất vui tiếp đó.

4. Tin không đủ. Có sự không tin.

Dịch thơ:

1. Sống tự nhiên, xẻn lời ít nói,

2. Vì gió giông chẳng thổi sớm, trưa.

Mưa rào chẳng suốt ngày mưa,

Ai làm gió sớm mưa trưa thế này?

(Trời đất).

Trời đất còn thoảng bay chốc lát,

Vẻ chi người, sống thác dường bao !

3. Đem vạn vật ướm vào Đạo cả,

Đấng thánh nhân huyền hóa đạo Trời.

Người nhân ôm đức chẳng rời,

Người ham đắc thất, cả đời vẫn ham.

Ôm lấy Trời, hân hoan Trời rước.

Ôm đức ân, sẽ được đức ân.

Miệt mài công cuộc gian trần,

Gian trần vui đón, cho thuần hư vinh.

Kẻ chẳng tin, người tin chẳng đủ,

Không đủ tin hay cứ không tin.

Đoạn 3 và 4 trên đây có thể dịch theo cách thứ hai như sau:

3. Đem vạn vật ướm vào Đạo cả,

Đấng thánh nhân huyền hóa Đạo Trời.

Sá chi đắc thất trần ai,

Vui vầy cùng Đạo thảnh thơi mặc tình.

Sống huyền hóa, siêu linh thoải mái.

Người tin, chăng, nào ngại gì đâu.

BÌNH GIẢNG

Chương này thực ra rất khó bình giảng cho xác đáng. Mỗi bản kinh lại chép một khác. Có ba chữ chính trong chương này: Đạo , Đức , Thất .

Các bản Vương Bật, Hà Thượng Công, Tống Long Uyên, v.v. đều viết là Đạo , Đức , Thất .

Bản của Wieger, và Duyvendak lại viết là: Đạo , Đắc , Thất . Và cho rằng viết Đức là sai.

Cho nên bình giảng chương này, chúng ta không thể có tham vọng đưa ra một ý kiến chính xác, mà chỉ mong nói lên được đại ý.

A. Đoạn 1 và 2 tương đối dễ bình giảng.

Đại khái Lão tử khuyên chúng ta nên sống giản dị, tự nhiên, tuần tự nhi tiến, đừng lo lắng làm những chuyện bất thường, để được nhĩ mục quan chiêm.

Những chuyện bất thường không thể tồn tại, y thức như những cơn giông cơn gió, những trận mưa lũ, mưa rào, chỉ chốc lát rồi lại qua đi.

Lời lẽ Lão tử ở đây tuy khác nhưng ý tứ thì xét ra cũng giống với đoạn XI của Trung Dung. Đức Khổng nói:

«Tìm bí ẩn, làm điều quái dị,

Cốt mong cho hậu thế người khen.

(Sá chi chuyện ấy nhỏ nhen)

Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.

Làm trai quyết chí tu thân,

Đường đường quân tử ta tuân Đạo trời.

Giữa đường đứt gánh trở lui,

«Bán đồ nhi phế» có đời nào đâu.

Trung Dung quân tử trước sau,

Dẫu không tăm tiếng chẳng rầu lòng ai.

Thánh nhân ấy thánh nhân rồi.» [2]

Hoặc giống với đoạn thánh vịnh David sau đây:

«Chúa, hỡi Chúa, tôi không ngạo nghễ,

Mắt tôi không đượm vẻ kiêu căng.

Vinh quang tôi chẳng dám mong,

Không mơ những chuyện quá tầm mức tôi.

Hồn chẳng chút lôi thôi xao xuyến,

Chẳng bận lòng những chuyện viễn vông.

Hồn tôi, những muốn thong dong,

Như con trẻ nhỏ, nằm lòng mẹ chơi.» [3]

B. Đoạn 3 của Lão tử mới thực là khó giải thích. Đại khái có hai cách giải thích:

1. Chúng ta, thực sự muốn gì, sẽ được nấy:

- Muốn Đạo sẽ được Đạo.

- Muốn Đức sẽ được Đức.

(Đức là sự phát huy của Đạo ra bên ngoài. Đức cũng là vẻ đẹp của Đạo chiếu sáng vào tâm hồn).

- Muốn phù hoa, sẽ được phù hoa.[4]

Sở dĩ gọi Thất là phù hoa, vì những chuyện vinh hoa đắc thất ở đời thoảng bay trong chốc lát.

Như vậy ở đời muốn đạt được thành quả bất kỳ về phương diện gì, trước hết là phải:

- Đặt ra cho mình một mục phiêu, một lý tưởng.

- Cố gắng hết sức thực hiện mục phiêu ấy.

2. Hoặc chúng ta có thể giải theo Wieger: [5]

Ở đời này chúng ta chỉ nên sống hòa mình với Đạo, còn các chuyện đắc thất bên ngoài, chẳng nên quá quan tâm, như vậy lòng ta lúc nào cũng sẽ ung dung thư thái.

Tinh thần này đã được cụ Nguyễn Công Trứ lồng vào thi ca như sau:

«Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.[6]

C. Cuối cùng Lão tử kết luận:

Ở đời sở dĩ có nhiều người không thành công trong công trình tu đạo, chính là vì đã không tin vào mình, vào những khả năng vô biên của tâm hồn mình, hoặc là tin chẳng đủ, bởi vì nếu chúng ta có đức tin bằng hạt cải, chúng ta sẽ có thể đảo hải di sơn.[7]

Ước mong lối bình giải này phản ánh được phần nào tư tưởng của Lão tử.


[1] Câu này Wieger, Duyvendak sửa lại như sau: «Đạo giả đồng ư Đạo, đắc giả đồng ư đắc, thất giả đồng ư thất. Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi; đồng ư đắc giả, thất diệc lạc đắc chi.» 道 者 同 於 道, 得者 同 於 得. 失 者 同 於 失. 同 於 道 者, 道 亦 樂 得 之; 同 於 得 者, 失 亦 樂 得 之. Tóm lại Wieger đã thay chữ Đức bằng chữ đắc . Vương Bật khi bình giảng đoạn này cũng đã thay thế chữ Đức bằng chữ đắc. Hà Thượng Công lại viết: «Thất diệc lạc thất chi» 失 亦 樂 失 之.

[2] Xem Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung Tân Khảo, quyển 2, Chương XI.

[3] Thánh Vịnh David 131.

[4] Nơi đây chúng ta giải theo những bản kinh có ba chữ: Đạo, Đức, Thất.

[5] Giải theo những bản kinh có ba chữ: Đạo, Đắc, Thất.

[6] Xem bài ca Ngất ngưỡng của Nguyễn Công Trứ.

[7] Xem thêm Mathieu 17, 19. Luc 17, 6