ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 41
ĐỒNG DỊ
同 異
Hán văn:
上 士 聞 道,
勤 而 行 之. 中 士 聞 道,
若 存 若 亡. 下 士
聞 道, 大 笑 之.
不 笑, 不 足 以 為 道.
故 建 言 有 之: 明 道 若 昧.
進 道 若 退. 夷 道
若 纇. 上 德 若 谷.
大 白 若 辱. 廣 德 若 不 足.
建 德 若 偷. 質
真 若 渝. 大 方 無 隅;
大 器 晚 成; 大 音 希 聲;
大 象 無 形. 道 隱 無 名.
夫 唯 道 善 貸 且 善 成.
Phiên âm:
1. Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành
chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn, nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu
chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi Đạo.
2. Cố kiến ngôn hữu chi: Minh Đạo
nhược muội. Tiến Đạo nhược thối. Di
Đạo nhược lỗi.
Thượng Đức nhược cốc.
Đại bạch nhược nhục.
Quảng đức nhược bất túc. Kiến đức nhược thâu.
Chất chân nhược du.
3. Đại phương vô ngung; đại khí vãn
thành; đại âm hi thanh; đại tượng vô hình. Đạo ẩn vô danh. Phù duy Đạo
thiện thải thả thành.
Dịch xuôi:
1. Bậc học cao nghe đạo, cố gắng mà theo. Bậc học bình thường nghe Đạo
như còn như mất. Bậc học thấp kém nghe Đạo, cả cười bỏ qua. Nếu không
cười, không đủ gọi đó là Đạo.
2. Nên người xưa nói: Sáng về Đạo, dường tăm tối. Tiến về Đạo, nhường
như thụt lùi. Ngang với Đạo, dường như cục cằn. Đức cao dường như hang
suối. Thật trong trắng dường như bợn nhơ. Đức rồi rào dường như không
đủ. Đức vững chắc dường như cẩu thả. Chất thực dường như biến đổi.
3. Hình vuông lớn không góc. Đồ dùng lớn lâu thành. Tiếng lớn nghe không
thấy. Tượng lớn, không có hình. Đạo ẩn, không tên. Chỉ có Đạo, hay cho
lại tác thành (muôn vật).
Dịch thơ:
1.
Người thượng đẳng khi nghe biết Đạo,
Liền ân cần tiết tháo, khuôn theo.
Người thường biết đạo ít nhiều,
Nửa quên, nửa nhớ, ra chiều lửng lơ.
Người hèn kém hễ cho nghe Đạo,
Liền cười vang, chế nhạo rỡn chơi.
Đạo Trời ẩn áo, đầy vơi,
Không cười đâu thấy Đạo Trời huyền vi.
2.
Lời xưa đã từng khi truyền tụng,
Biết Đạo thời như vụng như đần.
Tiến lên mà ngỡ lui chân,
Tới bên Đạo cả mà thân tưởng hèn.
Đức siêu việt thấp in thung lũng,
Đức cao dày tưởng những vô tài,
Thực chất tốt vẻ ngoài ngỡ kém,
3.
Hình vuông to góc biến còn đâu,
Những đồ quí báu làm lâu,
Tiếng to dường sấm mà hầu vô thanh.
Tướng to mới vô hình vô ảnh,
Trời mênh mông yên tĩnh như không.
Đạo Trời tản mạn vô cùng,
Không làm mà vẫn thành công mới là.
BÌNH GIẢNG
Đạo cả huyền vi, người có căn cơ mới
thấy cái hay, cái đẹp của Đạo, nên quyết chí đem Đạo ra thi hành.
Còn những người bình thường thì học
Đạo, nhưng không thấy say sưa, thích thú, nghe đấy rồi quên đấy.
Những người hạ căn khi nghe Đạo thời
khi dễ, cười chê. Kẻ hạ căn có cười chê Đạo, thì mới rõ Đạo là cao siêu.
Thánh kinh nói: «Bạn đừng cho chó những gì thiêng liêng; đừng ném ngọc
cho lợn; chúng có thể chà đạp nát ngọc, và quay lại cắn bạn.»
Tục ngữ ta có câu: «Đàn cầm đem khảy
tai trâu.» cũng ý ấy.
Những người đạo cao đức cả thường kín
tiếng, kín tăm. Đó là chủ trương:
-
«Thao quang, ẩn tích» (giấu sáng, che vết)
-
«Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần» (pha sánh sáng, hòa mình cùng trần cấu)
-
Làm cho mắt trần không thấy được núi Thái sơn trước mình.
Liệt tử
kể: «Công Nghi Bá mạnh có tiếng. Đường Khê Công đem khoe với Chu Vương.
Vương cho mời Công Nghi Bá. Bá vào triều. Thấy Bá có thân hình nhỏ nhắn,
vua lấy làm lạ, hỏi: ‘Người ta khen khanh mạnh, khanh làm được chi?’
Công Nghi Bá tâu: ‘Thần có thể đánh gẫy chân con cào cào, xé rách cánh
con ve sầu. ’ Vua bất mãn nói: ‘Trẫm gọi người có sức mạnh, là người xé
được da tê giác, cầm đuôi trâu mà ghì nổi chín con. Nếu ngươi chỉ làm
được những chuyện trên, sao người ta lại khen ngươi là khỏe?’ Công Nghi
Bá tâu: ‘Lời bệ ha nói thực nghĩa lý. Thần xin thành thực tâu trình.
Thần là đồ đệ của Thương Khâu Tử, một người mạnh nhất thiên hạ; thế
nhưng vì không khoe sức, nên đến nay người trong nhà cũng không hay.
Trước khi ngài chết, thần ở bên ngài. Ngài dạy: ‘Những kẻ hiếu danh, cần
phải làm những việc phi thường để cầu danh; nếu mình chỉ làm được những
việc tầm thường, thì người nhà cũng không biết mình là người thế nào.
Nhưng ta cho thế là hay nhất, và ta khuyên ngươi nên bắt chước... ’ Thế
mà nay một vị chư hầu đã khen sức mạnh thần với bệ hạ, như vậy là thần
đã để lộ chân tướng, trái với lời dặn dò của sư phụ tôi. Nguyên sự tôi
để lộ chân tướng đã tỏ ra là tôi yếu sức, vì người dấu được sức mình
mạnh hơn người khoe sức mình.»
Di 夷:
ngang, bằng.
Lỗi 纇:
có mấu nút, có tì vết.
Cốc 谷:
hang núi.
Nhục 辱:
xấu hổ.
Thâu 偷:
cẩu thả, trễ nhác.
Du 渝
: đổi dời.
Ne donnez pas aux chiens ce qui est sacré, ne jettez pas vos perles
devant les porcs; ils pourraient bien les piétiner puis se retourner
contre vous pour vous déchirer. (Mat. VII)
Liệt tử, Xung Hư chân kinh
沖 虛 真 經,
chương 4, đoạn K.
|