ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 7

THAO QUANG [1]

韜 光

Hán văn:

天 長 地 久. 天 地 所 以 能 長 且 久 者, 以 其 不 自 生, 故 能 長 生. 是以 聖 人 後 其 身 而 身 先, 外 其 身 而 身 存. 非 以 其 無 私 耶? 故 能 成 其 私.

Phiên âm:

1. Thiên trường, địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh.

2. Thị dĩ thánh nhân, hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn.

3. Phi dĩ kỳ vô tư da? Cố năng thành kỳ tư.

Dịch xuôi:

Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.

Vì vậy thánh nhân để thân ra sau mà thân ở trước; để thân ra ngoài mà thân còn.

Phải chăng vì không riêng tây, nên vẫn thành được cái riêng tây?

Dịch thơ:

Trời đất bền, không vì mình sống,

Rẻ tấm thân, hiền thánh vinh danh.

Khinh thân, chẳng xá chi mình,

Vô tư nên mới hoàn thành riêng tư.

BÌNH GIẢNG

Chương này dạy ta hai bài học trọng đại:

1. Bắt chước đất trời mà hành sự.

2. Sống một cuộc đời vô ngã, vô kỷ, chí công, vô tư.

1. Lão tử chủ trương: Thánh nhân phải biết noi gương trời đất mà hành sự. Chủ trương này cũng chính là chủ trường của kinh Dịch.

Dịch kinh 易 經 viết: «Thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi.» 天 垂 象 現 吉 凶 聖 人 象 之 (Trời sinh hiện tượng, cho biết hay dở, thánh nhân trông đó mà bắt chước.) [2]

Nếu chúng ta nhìn vào thiên nhiên, vào vũ trụ để mà tìm ra những bài học luân lý tiềm ẩn trong mọi hiện tượng, thì trời đất đối với ta sẽ trở thành một cuốn sách vĩ đại.

2. Lão tử cũng dạy cho ta bài học «vô ngã, vô kỷ». Lão tử cho rằng trời đất trường cửu chính là vì không có lòng tư tâm, tư kỷ, hằng lồng trong vạn vật chẳng hề lìa xa,[3] sinh dưỡng vạn vật chẳng hề bỏ sót vật nào.[4]

Cũng một lẽ nếu thánh nhân, chỉ lo lợi lộc riêng tư của mình, thì chỉ mua oán chuốc sầu, mà chẳng thành tựu được công trình chi to tát.

Muốn trường cửu, cần phải biết quên mình. Quên mình tức là rũ bỏ hết tiểu kỷ, tiểu ngã, hòa mình với Đại đồng:

Tống Long Uyên cho rằng: Thánh nhân coi đạo đức là gốc, coi ảo thân là ngọn, không cầu vinh hiển cho mình.[5]

Trang tử viết: Chí nhân vô kỷ 至 人 無 己.[6]

Lại viết: «Chỉ có thể tán tụng bậc chí nhân rằng: Ngài đã hợp nhất với đại đồng, và không còn cái mình nhỉ nhoi nữa.»[7]

Đã không còn cái mình nhỏ nhoi, tức là đã thể hiện được Đại ngã. Thể hiện được Đại ngã tức là nhập Niết bàn, theo từ ngữ Phật giáo.[8]

Thánh nhân vì không còn lòng tư kỷ, nên lấy lòng người làm lòng mình, không còn tranh chấp. Chính vì thế mà tồn tại cùng với thời gian, chính vì thế mà những cái gì riêng tư của mình cũng chẳng mất.

Lưu Tư 劉 思, tác giả quyển Bạch thoại dịch giải Lão tử kể một truyện rất dí dỏm sau đây để giải thích câu «Phi dĩ kỳ vô tư da, cố năng thành kỳ tư» 非 以 其 無 私 耶? 故 能 成 其 私: Công Nghi Hựu làm tướng nước Lỗ, tính rất thích cá. Cả nước dâng cá. Công Nghi không nhận. Đệ tử trách: “Thầy thích cá, mà không nhận cá, vì sao?” - Công Nghi nói: “Chính vì thích cá, mà không nhận cá. Nếu nhận cá sẽ mất chức tướng quốc, dẫu thích cá, cũng không thể cung cấp cá cho mình. Không nhận cá, thời còn chức tướng quốc, vì thế nên vẫn có cá ăn lâu dài...” [9]

Đạo Đức kinh, chương 66, cũng viết:

«Sông biển kia cớ sao mà trọng,

Nước muôn khe thao túng vì đâu?

Biển sông vì thấp vì sâu,

Cho nên mới được đứng đầu muôn khe.

Muốn cao cả, ngôi che nhân thế,

Phải hạ mình, nhỏ nhẹ khiêm cung.

Cầm đầu phải ẩn sau lưng,

Mình sau, người trước chớ đừng kiêu căng.

Cho nên những nhân quân thánh đế,

Ở trên dân, dân nhẹ như không.

Trước dân, dân vẫn nức lòng,

(Người tung kẻ hứng, như rồng gặp mây).

Dạ vốn chẳng toan bài tranh chấp,

Thế cho nên chẳng gặp đấu tranh.»


[1] Thao quang 韜 光: che giấu bớt ánh sáng.

[2] Hệ từ thượng, chương 11.

[3] Thể vạn vật nhi bất khả di 體 萬 物 而 不 可 遺 . Đạo đức kinh giảng nghĩa 道 德 經 講 義, tr. 10b.

[4] Sinh vạn vật nhi bất quỹ 生 萬 物 而 不 匱. ib. 10b.

[5] Dĩ đạo đức vi bản, dĩ ảo [huyễn] thân vi mạt, bất cầu vinh hiển ư nhất thân 以 道 德 為 本, 以 幻 身 為 末, 不 求 榮 顯 於 一 身 (Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 10)

[6] Nam hoa kinh, I, Tề vật luận, C.

[7] Luận tụng hình khu, hợp hồ Đại đồng. Đại đồng nhi vô kỷ. 論 頌 形 軀,合 乎 大 同 . 大 同 而 無 己. Cf. Wieger, Les pères du système Taoïste, Tchoang Tzeu, chap. 11, E. p. 291-293.

[8] Hữu đại ngã cố, danh đại Niết bàn. 有 大 我 故 名 大 涅 槃 «Niết bàn kinh».

[9] Lưu Tư, Bạch thoại dịch giải Lão tử, tr. 16.