ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 22

ÍCH KHIÊM

益 謙

Hán văn:

曲 則 全; 枉 則 直; 則 盈; 敝 則 新; 少 則 得; 多 則 惑. 是 以 聖 人 抱 一, 天 下 式. 不 自 見, 故 明. 不 自 是, 故 彰. 不 自 伐, 故 有 功. 不 自 矜, . 夫 唯 不 爭, 故 天 下 莫 能 與 之 爭. 古 之 所 謂 曲 則 全 者, 豈 虛 言 哉. 誠 全 而 歸 之.

Phiên âm:

1. Khúc tắc toàn; uổng tắc trực; hóa tắc doanh; tệ tắc tân; thiểu tắc đắc; đa tắc hoặc.

2. Thị dĩ thánh nhân bão Nhất, vi thiên hạ thức. Bất tự hiện, cố minh. Bất tự thị, cố chương. Bất tự phạt cố hữu công. Bất tự căng, cố trưởng.

3. Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.

4. Cổ chi sở vị «khúc tắc toàn giả», khởi hư ngôn tai. Thành toàn nhi qui chi.

Dịch xuôi:

1. Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn. Cái gì cong, thì làm cho ngay. Cái gì trũng thì làm cho đầy. Cái gì cũ thì làm cho nên mới. Ít thì lại được, nhiều thời lại mê.

2. Cho nên thánh nhân ôm giữ cái Một (Đạo), để làm mẫu mực cho thiên hạ. Không phô trương, cho nên sáng; không tự cho mình là phải, cho nên hiển dương; không kể công, nên có công; không khoe mình, cho nên hơn người.

3. Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh dành với mình. Câu nói của người xưa: «Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn», há phải là câu nói suông? Vẹn toàn rồi sẽ trở về với Đạo.

Dịch thơ:

1. Bao dang dở, làm cho tươm tất,

Bao cong queo, hãy bắt cho ngay.

Hãy san chỗ trũng cho đầy,

Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.

Đạm thanh sẽ thoả thuê, đầy đủ,

Phiền toái nhiều, trí lự ám hôn.

2. Thánh nhân một dạ sắt son,

Hoà mình với Đạo, treo gương cho đời.

Ít phô trương, (nhưng) rạng ngời, sáng quắc,

Chẳng khoe khoang, (nhưng) vằng vặc trăng sao.

Chẳng vênh váo, vẫn cao công nghiệp,

Chẳng huênh hoang, ngồi tít tầng cao.

3. Không tranh ai nỡ tranh nào,

Lời người xưa nói nhẽ nào sai ngoa:

«Bao dang dở, làm cho tươm tất,

Tươm tất rồi ắt sẽ về Ngài.»

BÌNH GIẢNG

Chương này các nhà bình giải thường cho rằng Lão tử đề cao sự khiêm cung. Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã toát lược chương này bằng hai chữ «Ích khiêm».

Nhưng thiết tưởng bình giải như vậy chưa nêu rõ được hết các ý tứ của Lão tử. Thực vậy, trong chương này Lão tử khuyên ta:

1. Sửa sang mọi lỗi lầm, khiếm khuyết để đi đến chỗ thành toàn, sống đơn sơ thuần phác. (đoạn 1)

2. Kết hợp với Trời, với Đạo, sống âm thầm lặng lẽ, không phô trương thanh thế, vô vi mà vẫn treo gương cho đời. (đoạn 2)

3. Không tranh chấp với ai. (đoạn 3)

4. Từ xưa tới nay, ai cũng công nhận rằng có thành toàn mới trở về được với Trời, với Đạo. (đoạn 4)

Phân tách như vậy ta sẽ thấy chương này hết sức phong phú. Trước tiên Lão tử cho thấy bổn phận chúng ta là cải tiến không ngừng để đi đến chỗ toàn thiện. Đó cũng chính là thiên mệnh. Trung Dung viết:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay. [1]

Chúa Jésus cũng dạy: «Các bạn hãy trở nên hoàn thiện, như cha các bạn ở trên trời.» [2]

Con người sinh ra ở đời, khó có ai hoàn thiện, hoàn mỹ ngay. Nhưng mọi người đều có thể trở nên hoàn thiện, hoàn mỹ nếu biết sang sửa tâm hồn mình.

Lão tử mô tả sự sửa sang tâm hồn bằng mấy lời bóng bảy:

Bao dang dở làm cho tươm tất,

 Bao cong queo hãy bắt cho ngay.

Hãy san chỗ trũng cho đầy,

Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.

Câu này cũng tương tự như câu sau đây trong thánh kinh Công giáo:

«Vì Yahve, hãy mở đường trong sa mạc,

Hãy chỉnh trang đạo lộ chốn hoang vu,

Lấp thung lũng, bạt đồi núi âm u,

       Biến vực thẳm cho trở thành đồng nội.» (Isaie 40, 3, 4)

Trung Dung cũng dành chương XXIII để dạy về phương pháp chỉnh trang tâm hồn ngõ hầu tiến tới hoàn thiện. Trung Dung gọi thế là «Trí Khúc». Couvreur giải hai chữ «trí khúc» là: Cố làm cho tâm tình còn khiếm khuyết trở nên hoàn hảo.

2. Khi đã sửa sang được mọi chếch mác, dở dang trong tâm hồn rồi, con người mới có thể «bão nhất», kết hợp với Trời với Đạo, nêu gương sáng soi cho đời. Lúc này chẳng cần phô trương, mà ảnh hưởng tự nhiên sẽ ngày một lan rộng.

3. Thế là không cần chạy theo vinh quang, mà vinh quang sẽ đến với mình, không phải tranh chấp với ai, mà vẫn có địa vị sang cả.

4. Lão tử kết luận: «Tự cổ cập kim», có sửa sang được hết chếch mác, có trở nên hoàn thiện, mới trở về được với Đạo, với Trời.

Như vậy Lão tử đã tìm ra được một định luật thiên nhiên và đạo giáo rất quan trọng: «Con người phải tinh tiến, phải cải thiện mình, để đi đến chỗ hoàn thiện. Có hoàn thiện mới có thể «đắc Đạo, bão nhất».

Chắc chắn không một vị giáo chủ nào có thể dạy ngược với định luật này được.


[1] Thành giả, Thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã 誠 者, 天 之 道 也; 誠 之 者, 人 之 道 也. Trung Dung, chương XX.

[2] Mathieu, V, 48.