ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 63

TƯ THỦY

思 始

Hán văn:

為 無 為, 事 無 事, 味 無 味. 大 小 多 少; 報 怨 以 德. 徒 難 於 其 易. 為 大 於 其 細. 天 下 難 事 必 作 於 易. 天 下 大 事 必 作 於 細. 是 以 聖 人 終 不 為 其 大. 故 能 成 其 大. 夫 輕 諾, 必 寡 信. 多 易 必 多 難, 是 以 聖 人 猶 難 之, 故 終 無 難.

Phiên âm:

1. Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu; báo oán dĩ đức.[1]

2. Đồ nan ư kỳ dị. Vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị. Thiên hạ đại sự tất tác ư tế. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi kỳ đại. Cố năng thành kỳ đại.

3. Phù khinh nặc, tất quả tín. Đa dị tất đa nan, thị dĩ thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan.

Dịch xuôi:

1. Thánh nhân hoạt động lao tác trên bình diện siêu việt. Coi mọi sự đời lớn nhỏ, nhiều ít như nhau, lấy ân báo oán.

2. Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều do từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên. Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn, mà vẫn nên được chuyện lớn.

3. Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên thánh nhân xem việc gì cũng là khó, nên cuối cùng không gặp khó.

Dịch thơ:

1. Thảnh thơi ta sống thảnh thơi,

Đời ta chẳng chút lôi thôi tần phiền.

Đời ta thơm phức hương tiên,

Bao nài lớn nhỏ, sá xem ít nhiều.

Cởi giây thù oán chẳng đeo,

Ta đem đức độ đổi điều gian ngoan.

2. Khó gì ta cũng cứ làm,

Bắt đầu từ dễ ta sang khó dần.

To gì ta cũng chẳng cần,

Bắt đầu từ nhỏ ta lần sang to.

Đời người vạn sự gay go,

Đều từ dễ dãi lần mò mãi ra.

Những điều cao đại xưa giờ,

Đều từ nhỏ nhặt đem vo cho thành.

Cho nên những bậc tinh anh,

Chẳng cần lớn lối vẫn dành cao sang.

3. Những ai hứa hẹn muôn ngàn,

Tình suông rồi sẽ bẽ bàng đơn sai.

Những ai khinh thị cuộc đời,

Càng ngờ dễ dãi, càng vời khó khăn.

Cho nên những bậc thánh nhân,

Biết e cái khó, khó khăn chừa người.

BÌNH GIẢNG

Chương này làm hiện rõ mấy ý tưởng chính yếu:

1. Hãy sống một cuộc đời siêu việt

2. Hãy sống một cuộc đời giản dị

3. Hãy thực hiện đại công đại nghiệp bằng những phương cách giản dị.

1. Hãy sống một cuộc đời siêu việt.

Chúng ta đừng nên hiểu vô vi là không làm gì. Nhưng Vô vi chính là hoạt động siêu việt, vô vi chính là hoạt động của Trời.

Nơi chương 2 của Đạo Đức kinh chúng ta đã bình giải cặn kẽ lối sống siêu việt này rồi. Nay chỉ cần nhắc thêm:

Chúng ta phải biết nâng tâm hồn lên cho thật cao, thật xa, thoát khỏi những bình diện sắc tướng phàm tục, để hòa mình cùng Vĩnh Cửu siêu việt.

Hãy làm những công việc của thần minh, hãy nếm những hương vị siêu sinh thoát tục. Thế tức là «Vi vô vi, sự vô sự, vô sự, vị vô vị».

2. Hãy sống giản dị.

Con đường hiền thánh, chính là con đường giản dị. Chúng ta chỉ cần theo những định luật của đất trời là thích ứng với hoàn cảnh và Hướng thượng, hướng về Lý tưởng, về Chân, Thiện, Mỹ.

3. Hãy thực hiện đại công, đại nghiệp bằng những phương cách giản dị.

Như vậy muốn tiến tới hoàn thiện phải làm sao ? Thưa, phải dùng những phương tiện mình sẵn có hoàn cảnh mình đang gặp và cư xử cho hết sức tốt đẹp.

Hãy luôn luôn có những tác phong đẹp, ý nghĩ đẹp, tâm thần đẹp, luôn luôn đối đãi với người cho đẹp. Đó là đi con đường giản dị mà vào Đại Đạo. Đó chính là tinh hoa của Trung Dung,[2] Đại Học,[3] của Kinh Thư,[4] và của Đạo Đức Kinh. [5]

Trung Dung viết:

Tìm bí ẩn làm điều quái dị,

Cốt mong cho hậu thế người khen.

(Sá chi chuyện ấy nhỏ nhen,)

Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.

Làm trai quyết trí tu thân,

Đường đường quân tử ta tuân Đạo Trời.

Giữa đường đứt gánh trở lui,

Bán đồ nhi phế có đời nào đâu. [6]

Cayce, một dị nhân người ở Virginia Beach bên Mỹ (sinh năm 1877 gần Hopskinville, Kentucky, chết ngày 3/1/1945), có tài đoán bệnh, soi kiếp và giảng đạo trong khi ngủ, cũng thường khuyên mọi người rằng: «Hãy dùng những phương tiện sẵn có.» [7] «Hãy khuyến khích nâng đỡ người yếu đuối, và kẻ sa ngã. Hãy thêm sức mạnh và lòng can đảm cho những kẻ thất bại.» [8] «Hãy sống thực lý tưởng, ở nơi mình ở.» [9] «Hãy bắt đầu từ nơi mình ở.» [10]

4. Đừng có khinh thị, nhưng phải luôn luôn dè dặt, cẩn thận mới nên công.

Tư tưởng của Lão tử nơi đây bắt gặp tư tưởng của Dịch. Dịch kinh nơi Hệ từ hạ đã viết:

Nguy thay kẻ tưởng vững ngôi,

Táng vong kẻ ngỡ thảnh thơi trường tồn.

Loạn là kẻ tưởng trị an,

(Tưởng an, khinh thị ly loàn mới sinh.)

Cho nên quân tử giữ mình,

Đương yên mà vẫn nhớ rành cơn nguy.

Đang còn, vẫn sợ mất đi,

Nước yên mà vẫn phòng khi ly loàn.

Biết lo thân mới được an,

Biết lo nên mới bảo toàn quốc gia.

Dịch rằng:

Rằng nguy rằng hỏng mới là,

Khóm dâu vững chãi thiết tha buộc ràng. [11]


[1] Wieger dịch như sau: «Agir sans agir, s’occuper sans s’occuper, gouter sans gouter; voir du même oeil le grand, le petit, le beaucoup, le peu, faire le même cas des reproches et des remerciements; voilà comme fait le Sage.»

[2] Xem Trung Dung, chương 11 và 15.

[3] Xem Đại Học, chương 3: Vi nhân quân, chỉ ư nhân; vi nhân thần, chỉ ư kính; vi nhân tử, chỉ ư hiếu; vi nhân phụ, chỉ ư từ; dĩ quốc nhân giao chỉ ư tín. 為 人 君 止 於 仁; 為 人 臣 止 於 敬; 為 人 子 止 於 孝; 為 人父 止 於 慈; 國 人 交 止 於 信.

[4] Nhược đăng cao tất tự ti; nhược trắc hà tất tự nhĩ. 若 登 高 必 自 卑, 若 陟 遐 必 自 邇 (Như trèo cao, tất tự thấp; như đi xa, tất tự gần.) Kinh Thư, Thái giáp hạ.

[5] Xem Lão tử Đạo Đức kinh, chương 64.

[6] Xem Trung Dung, chương 11 và 15.

[7] Qu’on ne peut se servir que de ce qu’on a sous la main. Cina Cerminara, De nombreuses demeures, traduction Sasia Erlics, Adyar, Paris 1966, p. 283.

[8] Encourager les faibles et ceux qui tombent; donner là force et du courage à ceux qui n’ont pas réussi.» Ib., p. 283.

[9] Soyez ce que vous devriez être à l’endroit où vous vous trouvez. Ib., p. 283.

[10] Commencez où vous êtes. Ib., p. 284. Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập II (Thượng Kinh), quẻ Bĩ, tr. 177; và tập III (Hạ Kinh), Hệ từ Hạ chương 5, tr. 527.

[11] Tử viết: Nguy giả an kỳ vị giả dã. Vong giả bảo kỳ tồn giả dã. Loạn giả hữu kỳ trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy. Tồn nhi bất vong vong. Trị nhi bất vong loạn. Thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo dã. Dịch viết kỳ vong kỳ vong. Hệ vu bao tang. 子 曰: 危 者 安 其 位 者 也. 亡 者 保 其 存 者 也. 亂 者 有 其 治 者 也. 是 故 君 子 安而 不 忘 危. 存 而 不 忘 亡. 治 而 不 忘 亂. 是 以 身 安 而 國 家 可 保 也. 易 曰 其 亡 其 亡 繫 于 苞 桑 (thích Bĩ cửu ngũ hào nghĩa: giải thích ý nghĩa hào cửu ngũ của quẻ Bĩ). Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập III (Hạ Kinh), tr. 527.