ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 24

KHỔ ÂN

苦 恩

Hán văn:

企 者 不 立, 跨 者 不 行. 自 見 者 不 明; 自 是 者 不 彰; 自 伐 者 無 功; 自 矜 者 不 長. 其 於 道 也, 曰 餘 食 贅 行, 或 惡 之. 故 有 道 者 不 處.

Phiên âm:

1. Khí [1] giả bất lập, khóa [2] giả bất hành. Tự hiện giả bất minh; tự thị giả bất chương; tự phạt giả vô công; tự căng giả bất trường.

2. Kỳ ư Đạo dã,[3] viết dư thực chuế [4] hành, vật hoặc ố chi. Cố hữu Đạo giả bất xử.

Dịch xuôi:

1. Kiễng chân lên, không đứng thẳng được. Xoạc cẳng ra không đi được. Tự coi là sáng, nên không sáng. Tự xem là phải, nên không hiển dương. Tự kể công, nên không có công. Tự khoe mình, nên không hơn người.

2. Đứng về phương diện Đạo mà nói, thì đó là những «đồ thừa việc thải». Cho nên người có Đạo không thiết.

Dịch thơ:

1.   Kiễng chân lên làm sao đứng thẳng,

Xoạc cẳng ra, đi chẳng được nào.

Thích khoe sáng suốt làm sao?

Tự cho mình phải, đời nào hiển dương.

Cầu cạnh quá, thời thường thất bại,

Quá ỷ mình, danh lại không cao.

2.   Mắt thần ta mượn nhìn vào,

Cơm thừa, việc thải xiết bao tục tằn.

Đó đâu phải đạo thánh nhân.

BÌNH GIẢNG

Chương này ngược với chương 22. Chương 22 mô tả đường lối của thánh nhân:

- Hư vô, tự nhiên,

- Xẻn lời, ít nói.

- Không kiêu căng,

- Không tự thị.

Chương này mô tả đường lối của phàm nhân:

- Làm điều bất thường quái dị, chọc nước quấy trời.

- Tự kiêu, tự đại.

Nhưng Lão tử cho rằng những việc bất thường không thể nào tồn tại. Càng khoe khoang, càng cầu cạnh, càng kể công, lại càng không có danh, không có công.

Tu đạo mà đi vào con đường ấy, tức là đi vào con đường lầm lạc. Đó chẳng qua là những chuyện «cặn bã» như cơm thừa, việc thải, chứ chẳng có gì là cao đẹp.

Ta có thể dùng chương 14 Trung Dung, để trình bày lại bằng những lời lẽ khác, những ý kiến mà Lão tử đã đề ra trong 2 chương 22 và 24 này.

«Người quân tử sống theo địa vị,

Không ước mơ, lo nghĩ viễn vông.

Sang giàu, sống lối giàu sang,

Nghèo nàn, sống lối nghèo nàn ngại chi.

Tới man di, sống y man mọi,

Gặp gian lao, vui nỗi gian lao.

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê.

Ở cấp trên không đè nén dưới,

Ở dưới không luồn cúi người trên.

Trời, người, chẳng oán, chẳng phiền.

Ung dung thanh thản chờ xem ý trời.

Kẻ tiểu nhân suốt đời tác quái,

Xông gian lao rong ruổi cầu may,

Người quân tử như tay xạ thủ,

Chệch hồng tâm, lỗi đó trách mình.


[1] Khí (xí) : kiễng chân. Có bản viết là .

[2] Khóa : xoạc cẳng.

[3] Kỳ ư Đạo dã 其 於 道 也: đứng về phương diện Đạo mà xét. Có bản chép là Kỳ tại Đạo dã 其 在 道 也.

[4] Chuế : thừa thãi, không cần thiết. Theo Cao Hanh, bốn chữ «dư thực, chuế hạnh» 餘 食 贅 行 nên đổi là «dư đức, chuế hạnh» 餘 德 贅 行 và cho đó là cái «Nhân, đức, thông, minh» bên ngoài. Các nhà bình giải Âu Châu thường giải chuế là cái bướu, và hiểu bốn chữ «dư thực chuế hạnh» như «dư thực, chuế hình» 餘 食 贅 形.