ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 17

THUẦN PHONG

淳 風

Hán văn:

太 上, 不 知 有 之. 其 次, 親 而 譽 之. 其 次, 畏 之. 其 次, 侮 之. 信 不 足 焉, 有 不 信 焉. 悠 兮, 其 貴 言. 功 成 事 遂, 百 姓 謂 我 自 然.

Phiên âm:

1. Thái thượng,[1] hạ [2] tri hữu chi.

2. Kỳ thứ, thân nhi dự chi.

3. Kỳ thứ, úy chi.

4. Kỳ thứ, vũ chi. Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.

5. Du hề,[3] kỳ quí ngôn. Công thành, sự toại, bách tính vị ngã tự nhiên.

Dịch xuôi:

1. Thánh quân thời cổ xưa (cai trị), dân ở dưới không biết rằng có.

2. Bậc dưới, họ thân và ngợi khen. Bậc dưới nữa họ sợ. Bậc dưới nữa, họ khinh. Vì không đủ tin, nên dân không tin.

3. Bậc thánh xưa quí lời nói. Công việc xong xuôi, mà dân đều bảo rằng: «Tự nhiên bởi ta.»

Dịch thơ:

Thánh xưa trị nước, trị dân,

Bàn dân ở dưới coi gần như không.

Rồi ra thân cận tán đồng,

Rồi ra sợ hãi, rồi đâm khinh nhờn.

Bởi không thủ tín đàng hoàng,

Cho nên dân mới ngỡ ngàng chẳng tin.

Thánh xưa lời nói giữ gìn,

Khi xong công việc, dân xem tự mình.

BÌNH GIẢNG

Lão tử cho thấy nền chính trị Trung Hoa đã trải qua nhiều thời kỳ, và càng ngày càng sa đọa, từ thời đại hoàng kim «vô vi nhi trị» 無 為 而 治 xuống dần mãi cho tới thời kỳ hữu vi 有 為 dùng bá đạo trị dân.

Để dễ bề khảo sát, ta có thể chia nền chính trị Trung Hoa thành nhiều thời kỳ như sau:

1. Trước thời Tam Hoàng 三 皇 và thời Tam Hoàng (khoảng 2800 trở về trước) (Phục Hi 伏 羲, Thần Nông 神 農, Chúc Dung 祝 融). [4] Đó là thời của Vô vi nhi trị 無 為 而 治.

2. Thời Ngũ Đế 五 帝 (2700 - 2200) (Hoàng đế 黃 帝, Chuyên Húc 顓 頊, Đế Cốc [Khốc] 帝 嚳, Nghiêu , Thuấn ). [5] Đó là thời của Đức trị 德 治. Thời này phát minh ra lễ nhạc, tôn ti trật tự, cung thất, áo xống, thư tịch, xe cộ, cầu đò, v.v.

3. Thời Tam Vương 三 王 (2200 - 1000): [Đại Vũ 大 禹 (2505-2197); Thành Thang 成 湯 (1766-1753); Vũ Vương 武 王[6] (1122-1115)]. Đó là thời của Nghĩa trị 義 治 Hình phạt 刑 罰.

4. Thời Ngũ Bá 五 霸 () (từ 1000 về sau): [Tề Hoàn Công 齊 桓 公 (683-641); Tấn Văn Công 晉 文 公 (634-626); Tần Mục Công 秦 穆 () (673-644); Tống Tương Công 宋 襄 公 (649-653); Sở Trang Vương 楚 莊 王 (612-589)]. Đó là thời của Trí trị 智 治 Mưu lược 謀 略.

- Thời thái thượng tức là thời Tam Hoàng về trước. Thời ấy các bậc chân quân trị dân bằng phương pháp vô vi, tự nhiên đến nỗi dân như không hay không biết.

Trang tử viết: «Thời chí đức, không chuộng hiền, không dùng tài; người trên như cành cây (rủ bóng mà không hay); người dưới như hươu rừng (đến nương bóng mà không ơn). Các bậc lãnh đạo cư xử đoan chính mà không cho thế là nghĩa; thương yêu mà không biết đó là nhân; thành thực mà không biết thế là trung; xử phải mà không biết thế là tín; hoạt động lao tác một cách tự nhiên mà không mong báo đền. Vì thế nên không có chuyện gì nổi bật, và cũng chẳng có sử ký.» [7]

Thời buổi vô vi, ở nơi đường cái, dân chúng thường gõ mõ đất mà ca rằng: «Sáng làm, tối nghỉ, đào giếng để uống, trồng tỉa để ăn, có thấy đâu đức vua reo rắc đến ta?» [8]

- Kịp đến thời Ngũ Đế, dân chúng ngày càng cảm thấy ảnh hưởng của vua chúa, và thân vua, khen vua.

- Đến thời Tam Vương, vua chúa đã bắt đầu xa dân, hình phạt đã được bày đặt, pháp luật đã trở nên chặt chẽ, nên dân chúng đâm ra sợ sệt các nhà lãnh đạo.

- Đến thời Ngũ Bá, vì vua chúa dùng xảo thuật, mưu kế để chiếm nước, đoạt dân, nên dân bắt đầu khinh khi, không còn mến phục nhà cầm quyền nữa.

Chung qui cũng là vì vua chúa không biết thủ tín đối với dân. Lão tử kết luận rằng nhà vua cần phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói, và phải biết cai trị cho hết sức khéo léo, tế nhị, đến nỗi khi một công trình gì hoàn tất, dân vẫn tưởng là do dân làm, chứ không phải do vua chủ xưởng và điều động.

Tóm lại trị dân mà «vô vi» mới tốt, còn đi vào «hữu vi» thì dù ít, dù nhiều cũng vẫn chẳng hay. [9] Thậm chí Trang tử cho rằng con người bắt đầu sa đọa từ thời Toại Nhân 燧 人 (Toại Nhân đã phát minh ra lửa) và Phục Hi 伏 羲 (Phục Hi đã lập ra qui chế hôn phối gia đình). [10]


[1] Thái thượng 太 上: bậc chí nhân, thánh đức. Hà Thượng Công cho đó là bậc «Thái cổ vô danh chi quân» 太 古 無 名 之 君. Có sách viết: «Hạ bất tri hữu chi» 下 不 知 有 之.

[2] Hạ : người dân.

[3] Do : theo Hà Thượng Công. --  Du : theo Vương Bật.

[4] Theo Bạch Hổ thông 白 虎 通.

[5] Theo Đại Đới, Lễ ký.

[6] Theo Từ Nguyên.

[7] Trang tử Nam Hoa Kinh, Thiên địa.

[8] Vô quái hồ «vô vi» chi thế, khang cù lão nhân kích nhưỡng nhi ca: «Nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, đế lực hà hữu ư ngã tai?» 無 怪 乎 無 為 之 世, 康 衢 老 人 擊 壤 而 歌: 日 出 而 作, 日 入 而 息, 鑿 井而 飲, 耕 田 而 食, 帝 力 何 有 於 我 哉? Lý Văn Hùng 李 文 雄, Trung Quốc tân thiên tự văn 中 國 新 千 字 文, tr. 44.

[9] Văn Trung tử cũng có nói: «Cường quốc chiến binh, bá quốc chiến trí, vương quốc chiến nghĩa, đế quốc chiến đức, hoàng quốc chiến vô vi» 強 國 戰 兵, 霸 國 戰 智, 王 國 戰 義, 帝 國 戰 德, 皇 國 戰 無 為. Xem Nguyễn Duy Cần, Lão tử, Đạo đức kinh, q. I, tr. 108.

[10] Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 332-333.