ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 79

NHIỆM KHẾ

 任 契

Hán văn:

和 大 怨, 必 有 餘 怨. 安 可 以 為 善. 是 以 聖 人 執 左 契 而 不 責 於 人. 有 德 司 契, 無 德 司 徹. 天 道 無 親, 常 與 善 人.

Phiên âm:

1. Hòa đại oán, tất hữu dư oán. An khả dĩ vi thiện.

2. Thị dĩ thánh nhân, chấp tả khế nhi bất trách ư nhân.

3. Hữu đức tư khế, vô đức tư triệt.

4. Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân.

Dịch xuôi:

1. Hòa được oán lớn, vẫn còn oán thừa, như thế sao gọi là phải được.

2. Cho nên thánh nhân cầm tờ khế ước bên trái, mà không trách người.

3. Kẻ có đức thì thích cho người. Kẻ vô đức thì thích đòi người.

4. Thiên đạo không thân ai, mà thường gia ân cho người lành.

Dịch thơ:

1. Chuốc mua chi lắm oán thù,

Rồi dàn, rồi xếp, sao cho vuông tròn.

2. Cho nên những đấng thánh nhơn,

Chẳng hề cầu cạnh, chẳng hờn trách ai.

3. Thánh nhân thích chuyện cho người,

Phàm phu tục tử ưa đòi, ưa vơ.

4. Trời xanh chẳng có thân sơ,

Làm lành thời sẽ thưởng cho ơn lành.

BÌNH GIẢNG

Chương này rất khó giải; mỗi nhà bình giải bàn một cách, giải một lối.

Những lời bình giải của tôi nơi đây theo Stanislas Julien; một là vì Stanislas Julien dựa theo các nhà bình giải danh tiếng xưa, hai là vì lời bình có vẻ hữu lý hơn.

1. Trước hết Lão tử khuyên ta đừng nên gây oán, gây thù, vì một khi đã gây oán gây thù, làm sao mà hàn gắn lại cho hẳn hoi như cũ được.

Muốn khỏi gây thù oán, phải biết rõ bản tính con người phải giữ bản tính ấy cho chu toàn, và đừng để cho hoàn cảnh (homme en situation) làm thương tổn đến con người lý tưởng (homme idéal) và như vậy hãy mở lòng mình ra cho rộng rãi, xóa bỏ hết những gì chia rẽ mình với người, cố làm sao thông cảm hoàn toàn được với người.

2. Thánh nhân ưa chiều theo ý người ví như trong một hợp đồng, tờ khế chia thành hai bản, nửa trái người đi vay giữ, nửa phải người cho vay cầm. Khi người cho vay cầm nửa tờ khế bên phải đến đòi nợ, người đi vay đem nửa tờ khế bên trái ra so, nêu hai nửa ăn khớp với nhau, thời lập tức trả nợ, không làm khó dễ điều chi.

3. Người nhân đức, vị thánh nhân bao giờ đối với người cũng sẵn sàng hi sinh, chẳng khác nào như mình mắc nợ đối với người.

Người không nhân đức y như người đi thâu thuế, lúc nào cũng ráo riết, cay nghiệt với người.

Chữ Triệt đây tức là ám chỉ đến phép triệt điền 徹 田 đời nhà Chu. Vua cấp ruộng đất cho dân, nhưng bắt dân phải nộp cho nhà vua một phần mười tổng số hoa lợi thu hoạch được, và dĩ nhiên người đi thu thuế, không có nhẹ nhàng với người nộp thuế.

Có nhà bình giải cho rằng trong câu «Hữu đức tư khế» ta phải hiểu ngầm như «Hữu đức tư tả khế». [1]

4. Thánh nhân làm ơn cho người, sẽ được Trời cao ban cho mọi ơn lành. Đó chẳng phải là Trời tây vị thánh nhân mà chính là vì thánh nhân đã tỏ ra xứng đáng hồng ân của Trời.


[1] Có nhà bình giải cắt nghĩa «khế» ở đây là hợp, còn «triệt»chia. Ý nói người nhân đức hòa mình với người kém đức mới chia phôi với mình. Cắt nghĩa như vậy cũng hay.