ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 26

TRỌNG ĐỨC

重 德

Hán văn:

重 為 輕 根. 靜 為 躁 君. 是 以 聖 人 終 日 行 不 離 輜 重. 雖 有 榮 觀, 燕 處 超 然. 奈 何 萬 乘 之 主, 而 以 身 輕 天 下? 輕 則 失 根, 躁 則 失 君.

Phiên âm:

1. Trọng vi khinh căn. Tĩnh vi táo quân.

2. Thị dĩ thánh nhân[1] chung nhật hành bất ly tri trọng.[2] Tuy hữu vinh quan,[3] yến xử [4] siêu nhiên.[5]

3. Nại hà [6] vạn thặng [7] chi chủ, nhi dĩ thân khinh thiên hạ. Khinh tắc thất căn [8], táo tắc thất quân.

Dịch xuôi:

1. Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của xao động.

2. Cho nên thánh nhân suốt ngày rong ruổi, mà không bỏ mất sự trang trọng, yên tĩnh. [9] Tuy sống trong vinh hoa, mà lòng vẫn thung dung sống vượt lên trên.

3. Tại sao vua một nước có muôn cỗ xe lại đem thân coi nhẹ thiên hạ. Nhẹ ắt mất gốc, xao động ắt mất chủ.

Dịch thơ:

1. (Người) trang trọng hơn (người) nhẹ (dạ)

(Người) thung dung chúa (gã) long đong.

2. Đường đường là đấng thánh nhân,

Suốt ngày rong ruổi, vẫn không buông tuồng.

Tuy rằng ở chỗ cao sang,

Tâm hồn thư thái, chẳng màng phồn hoa.

3. Làm vua thống trị sơn hà,

Cớ sao dở thói kiêu sa lộng quyền.

Buông tuồng là mất căn nguyên.

Lo toan trăm nỗi là quên mất Trời.

BÌNH GIẢNG

Chương này dạy ta hai điều:

1. Sống cho trang trọng

2. Sống cho yên tĩnh

Chúng ta phải sống trang trọng vì tâm niệm rằng: trong mình ta, gồm đủ thiên lý, thiên đạo, gồm đủ tam tài (thiên, địa, nhân) tam bảo (tinh, khí, thần).

Lý Long Uyên khi bình chương này đã viết đại khái như sau: «Người quân tử đem một thân một mình mà suy hành cho cả thiên hạ; khi làm, hoặc ngơi nghỉ; khi nói năng hay im lặng, đều cảm thấy là do thiên lý lưu hành. Bất kỳ ở địa vị nào (vua, tôi, cha, con), cũng lấy cương thường luân lý để bảo đảm cho sự trang trọng mình; mỗi khi ứng sự tiếp vật, đều lấy đạo đức nhân nghĩa để bảo toàn cho sự trang trọng mình...» [10]

Trung Dung cũng viết:

Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,

Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.

Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người xa ngưỡng mộ, người gần không hề ngán. [11]

Thứ đến, Lão tử khuyên ta nên sống với một thần trí định tĩnh.

Lý Long Uyên bình câu «Tuy hữu vinh quan, yến xử siêu nhiên» như sau: «Nên sống vô vi trần tĩnh, «Vinh quan» tức là tất cả những vật dục phân hóa, thanh sắc hóa lợi. Mọi người đều tranh nhau hưởng mùi đời, lặn ngụp trong ba đào thế sự, chỉ có người quân tử là sống an nhàn, siêu thoát; thanh tĩnh khác đời, hư minh thuần nhất; tùy thời thuận lý; không để cho vật dục làm đổi rời; không để cho tính tình vọng động càn rỡ; y như là gió mát trăng trong, lúc nào cũng ung dung thư thái, siêu thoát hồn nhiên... Người tu đạo nếu có thể sống trong sang giàu mà không để cho giàu sang làm thay lòng dạ, sống trong nghèo nàn, mà không để cho nghèo nàn làm lụy tấm thân, được như vậy tức là người quân tử thoát tục rồi còn gì?» [12]

Gia Cát Vũ hầu cũng viết: «Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.»

非 淡 泊 無 以 明 志, 非 寧 靜 無 以 致 遠.

(Không đạm bạc làm sao sáng suốt,

Không tĩnh định làm sao tiến xa.)

Lý Long Uyên cho rằng: mỗi con người chúng ta đều tôn quí vô ngần, mỗi con người chúng ta đều là một quốc gia có muôn cỗ xe, cho nên chúng ta đừng nên giảm giá trị của mình. Người tu đạo nên lấy đó làm đề tài suy nghĩ.

Lão tử kết luận: Coi nhẹ mình tức là mất căn nguyên; ôm đồm nhiều chuyện phù du, là bỏ mất Đại Đạo.


[1] Có nhiều bản chép là «thị dĩ quân tử» 是 以 君 子.

[2] Tri trọng 輜 重: xe hành lý. Hà Thượng Công giải Tri là Tĩnh; Trọng là Trọng .

[3] Vinh quan 榮 觀: 1) cảnh đẹp; 2) cung điện.

[4] Yến xử 燕 處: 1) Ở yên; 2) nơi cung phi ở (theo cách hiểu Hà Thượng Công).

[5] Siêu nhiên 超 然: 1) vượt lên trên; 2) xa lánh (theo cách hiểu Hà Thượng Công).

[6] Nại hà 奈 何: có bản chép: Như chi hà 如 之 何; Như hà 如 何.

[7] Vạn thặng 萬 乘: muôn cỗ binh xa, chỉ bậc thiên tử.

[8] Căn : có bản chép là «thần» ; có bản chép là «bổn» .

[9] Wieger dịch: cho nên vị quốc dân, khi đi (trong xe nhẹ) không bao giờ lìa xe nặng chở hành lý của mình.

[10] Xem Kim Liên chính tông Long Môn pháp phái, Long Uyên tử Tống Thường Tinh chú giải, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, tr. 41b.

[11] Xem Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung Tân Khảo, chương 29.

[12] Xem Đạo Đức kinh giảng nghĩa, tr. 42.