ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 14

TÁN HUYỀN

贊 玄

Hán văn:

視 之 不 見, 名 曰 夷. 之 不 聞, 名 曰 希. 搏 之 不 得, 名 曰 微. 此 三 者 不 可 致 詰. 故 混 而 為 一. 其 上 不 皎, 其下 不 昧, 繩 繩 不 可 名, 復 歸 於 無 物. 是 謂 無 狀 之 狀, 無 物 之 象. 是 謂 惚 恍, 迎 之 不 見 其 首. 隨 之 不 見 其 後. 執 古 之 道, 以 御 今 之 有. 能 知 古 始, 謂 道 紀.

Phiên âm:

1. Thị chi bất kiến, danh viết Di. Thính chi bất văn, danh viết Hi. Bác chi bất đắc, danh viết Vi. Thử tam giả bất khả trí cật. [1] Cố hỗn nhi vi nhất.

2. Kỳ thượng bất kiểu. [2] Kỳ hạ bất muội. Thằng thằng [3] bất khả danh, phục qui ư vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng. Thị vị bất hốt hoảng, nghinh chi bất kiến kỳ thủ. Tùy chi bất kiến kỳ hậu.

3. Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu. Năng tri cổ thủy, Thị vị đạo kỷ.[4]

Dịch xuôi:

1. Nhìn không thấy, gọi là Di. Nghe không thấy, gọi là Hi. Nắm không được, gọi là Vi. Ba điều ấy không thể suy cứu đến cùng. Cho nên hợp lại làm một.

2. Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Cái có hoảng hốt, đón trước không thấy đầu, theo sau không thấy đuôi.

3. Giữ cái Đạo xưa để trị chuyện nay; biết cái đầu mối của thời xưa, ấy là nắm được giềng mối đạo.

Dịch thơ:

1. Gọi là Di vì nhìn chẳng nổi,

Nghe không ra nên gọi là Hi,

Thoát tay nên gọi là Vi,

Ba điều ấy, khôn suy cho cùng.

Suy không cùng nên chung làm một,

2. Trên chẳng trong, dưới suốt chẳng mờ,

Mung lung nên khó gọi thưa,

Miên man bất tận nên vô tượng hình.

Không dáng dấp, siêu linh ta gọi,

Không tượng hình nên mới siêu linh.

Phất phơ không bóng không hình,

Đầu đuôi chẳng có, cung nghinh đàng nào.

3. Đành phải sống ướm vào «cổ giả».

Thấu nguồn xưa là rõ đạo Trời.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử lại luận về Đạo thể. Đại khái Lão tử cho rằng Đạo thể huyền vi, mung lung, ảo diệu, thoát tầm kích quan năng của con người. Đại đạo vô hình tướng, nên không có đầu đuôi, dù đón trước theo sau cũng không truy lùng ra dáng dấp.

Tuy nhiên, ta vẫn có cách biết được Đạo, nếu ta biết cách khảo sát đời sống các vị thánh nhân đời trước. Hiểu được thời cổ, tức là biết được chuyện nay, hiểu được Đạo thể.

*

Như vậy chương này Lão tử lại luận về Đạo và cho rằng Đạo vô thanh vô xú, bất khả tư nghị.

Rémusat năm 1823 đã cho rằng ba chữ Di, Hi, Vi có lẽ là đã được phiên âm từ chữa (Yod, He, Vau, He: Yahweh: Thượng đế). Chữ này có lẽ đã được nhập vào Trung Hoa trước thời Lão tử. Sau này các Ông Victor von Strauss (1870) và Bác sĩ Edkins (1884) cũng lại chủ trương như vậy. James Legge cho rằng chủ trương này vu khoát. [5]

Tôi không nghĩ rằng ba chữ Di, Hi, Vi đã được phiên âm từ chữ YHVH của Do Thái, nhưng biết chắc là nơi đây Lão tử bàn về Đạo thể, tức là bàn về Thượng đế theo từ ngữ các nhà huyền học. Nhan Hồi cũng đã nói trong Luận ngữ:

«Càng trông lên, càng thấy cao,

Càng dùi vào càng thấy kiên cố,

Mới thấy đằng trước,

Thoát đã ra sau...» [6]

Các bậc đại thánh Âu châu, từ Ruysbroeck, Jean de la Croix đến Thérèse d’Avila, đều phân biệt rõ ràng giữa Thực tại mà họ thấy, với những hình ảnh mà họ dùng để mô tả Thực tại ấy.

Họ luôn luôn chủ trương như Dionysius và Eckhart rằng Cái mà họ chiêm ngưỡng vốn không có hình tướng. Họ lại cũng chủ trương như Jean de la Croix rằng: tâm hồn không thể nào phối hiệp hoàn toàn được với Đạo, nếu họ còn phải qua trung gian của Hình, Thức, Sắc, Tướng. [7]

Phật cũng nói: «Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất kiến Như Lai.» 若 以 色 見 我, 以 音 聲 求 我, 是 人 行 邪 道, 不 見 如 來 (Kim Cương kinh).

Nếu Đạo đã vô hình tướng như vậy thì làm sao mà tìm thấy Đạo? Các nhà bình giải đoạn này bình giải mỗi người một cách. Chung qui ta thấy có ba cách này:

a) Muốn tìm Đạo phải truy kỳ nguyên, từ lúc chưa có đất trời. [8]

b) Muốn tìm Đạo phải biết hồi quang phản chiếu, để tìm ra Đạo thể ở đáy lòng. [9]

c) Muốn tìm Đạo, phải nương theo cách thức của người xưa.

Khảo các nhà huyền học, ta thấy xưa cũng như nay, đạo lý chỉ có một, đó là: Trời chẳng xa người. Tewekkul Beg, một nhà huyền học Hồi giáo thế kỷ 17 nói: «Ngài chính là tôi, thế mà trước kia tôi u mê, không biết điều huyền diệu siêu việt ấy.» [10]

Plotin nói: «Thượng đế chẳng ở ngoài ai, nhưng hiện diện trong mọi sự vật, mặc dầu mọi người không biết vậy.» Nói cách khác: «Thần Chúa ở trong các bạn.» [11]

«Tuyệt đối mà mọi người tìm cầu không có ở cao xa diệu vợi tách rời khỏi vũ trụ hình tướng bất toàn này, nhưng đã ở ngay trong lòng biến dịch; đã đứng chờ ngay ở cửa lòng con người và gõ và chờ cho phàm tâm con người dần dà tìm ra được kho tàng của nó.» [12]

Đại đỗng chân kinh 大 洞 真 經 cũng viết: «Trời vốn dĩ chẳng xa người.» (Thiên nhân bản thị vô sai biệt 天 人 本 是 無 差 別); [13] và mục đích của khoa luyện đan cũng chính là tìm ra được, Thái cực, được Trời, được Đạo trong lòng mình. [14]


 [1] Trí cật 致 詰: gạn hỏi đến cùng.

[2] Kiểu : sáng.

[3] Thằng thằng 繩 繩: miên man.

[4] Đạo kỷ 道 紀: giềng mối của Đạo.

[5] Cf. J. Legge, The Textes of Taoism, p. 106.

[6] Nhan Uyên vị nhiên thán viết: Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên. Chiêm chi tại tiền, hốt nhiên (yên) tại hậu 顏 淵 喟 然 歎 曰: 仰之 彌 高, 鑽 之 彌 堅. 瞻 之 在 前, 忽 然 () 在 後. Luận Ngữ, chương 9, câu 10.

[7] The great mystics, however - Ruysbroeck, St. John of the Cross, and St Teresa herself in her later stages - distinguish clearly between the indicible Realty which they perceive and the image under which they describe it. Again and again they tell us with Dionysius and Eckhart, that the Object of their contemplation «hath no image»: or with St John of the Cross that «the Soul can never attain to the height of the divine union, so far as it is possible in this life, through the medium of any forms or figures.» Evelyn Underhill, Mysticism, p. 94.

[8] Cổ thủy giả, chỉ Đại Đạo tại Tượng đế chi tiên. Cố vân cổ thủy 古 始 者, 指 大 道 在 象 帝 之 先. 故 云 古 始. Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 21b.

[9] Nhân năng phản quan tự tính, bất chước thanh sắc, bất chấp hữu vô, tiền niệm bất khởi, hậu niệm bất tục, niệm niệm bất hữu, ly nhất thiết sắc tướng, tắc vô trạng chi trạng, vô tượng chi tượng, tự nhiên vạn pháp hỗn nhi vi nhất. 人 能 返 觀 自 性, 不 著 聲 色, 不 執 有 無, 前 念 不 起, 後 念不 續, 念 念 不 有, 離 一 切 色 相, 則 無 狀 之 狀, 無 象 之 象, 自 然 萬 法 混 而 為 一. Ib. tr. 32a.

[10] «Thou art I, but dark was my heart, I knew not the secret transcendent» says Tewekkul Beg, a moslem mystic of the seventeenth century. Cf. Evelyn Underhill, Mysticism, p. 119.

[11] «God» says Plotinus «is not external to anyone, but is present with all things, though they are ignorant that he is so.» In other and older words: The Spirit of God is within you. Ib. p. 119.

[12] The Absolute Whom all seek does not hold Himself aloof from an imperfect material Universe, but dwells within the flux of things: stands as it were at the very threshold of consciousness and knocks, awaiting the the self’s slow discovery of her treasures. Evelyn Underhill, Mysticism p. 119.

[13] Thiên nhân bản thi vô sai biệt; Nhất điểm linh quang hỗn thái huyền. 天 人 本 是 無 差 別; 一 點 靈 光 混 太 玄. Tr. 5b.

[14] Đại đỗng chân kinh: Đan giả hà dã, nhân trung chi thái cực dã 大 洞 真 經: 丹 者 何 也, 人 中 之 太 極 也.