ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 6

THÀNH TƯỢNG

成 象

Hán văn:

谷 神 不 死 是 謂 玄 牝. 玄 牝 之 門, 是 謂 天 地 根. 綿 綿 若 存. 之 不 勤.

Phiên âm:

1. Cốc thần [1] bất tử thị vị Huyền tẫn. [2]

2. Huyền tẫn chi môn thị vị thiên địa căn.

3. Miên miên [3] nhược tồn. Dụng chi bất cần. [4]

Dịch xuôi:

1. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn.

2. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất.

3. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.

Dịch thơ:

 Trời bất tử, trường sinh bất tử,

Cửa trường sinh là cửa càn khôn. [5]

Miên man muôn kiếp vẫn còn,

Muôn nghìn biến ảo mà tuồng trơ trơ.

BÌNH GIẢNG

Chương sáu này thực ra rất giản dị; đại ý rằng: Đạo hay Cốc thần trường sinh bất tử đó là cánh cửa kiền (Huyền ) khôn (tẫn ) đó là gốc gác, căn cơ của đất trời. Đó là một nguồn sinh tung tỏa vô cùng vô tận, dùng mãi chẳng hề vơi.

Chương này được các Đạo gia đặc biệt khai thác để áp dụng vào phương pháp tu thân, luyện đơn, cầu đạo, đi tìm trường sinh bất tử. Chính vì vậy mà ta cần khảo cứu chương này cho thấu đáo.

A. Cốc thần 谷 神 là gì?

Tiên học từ điển 仙 學 辭 典 giải: Cốc là hư ; thần là linh giác 靈 覺. Phép luyện đơn lấy «hư linh bất muội làm căn bản» 虛 靈 不 昧 為 本. Nên Cốc thần chính là «Không linh chi nguyên thần» 空 靈 之 元 神. [6]

Lưu Nhất Minh 劉 一 明 trong quyển Chu dịch xiển chân 周 易 闡 真 minh định rằng: «Cốc thần chính là: Thái cực 太 極 theo Nho giáo; Viên giác 圓 覺 theo Phật giáo; Kim đan 金 丹 theo Lão giáo.

«Cốc, ở đồ bản tròn của Dịch, thời ở vào điểm trống không ở giữa; ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi tâm điểm chữ thập; ở nơi con người thời ở chỗ tứ tượng hòa hợp. Thần, ở đồ bản tròn của Dịch thời ở nơi Kiền Khôn tương giao; ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi hai cánh chữ thập giao tiếp nhau; ở nơi con người, thời ở nơi tứ tượng động tĩnh. [... ] Cổ nhân gọi đó là ‘Sinh môn, tử hộ’ 生 門 死 戶, ‘Tạo hóa lô’ 造 化 爐 ‘Âm dương hộ’ 陰 陽 戶. Nho gia gọi là ‘Đạo nghĩa chi môn’ 道 義 之 門. Phật gia gọi là ‘bất nhị pháp môn’ 不 二 法 門. Đạo gia gọi là ‘Chúng diệu chi môn’ 眾妙之門. Cũng có thể gọi chung là «Giá cá» 這個. [7]

Lưu Nhất Minh cũng còn cho rằng: Cốc thần 谷 神 hay Nguyên tẫn 元 牝 [8] (Huyền tẫn 玄 牝) cũng chỉ là một. [9]

Bạch tổ 白 祖 cho rằng: «Đầu con người có chín cung, cung chính giữa là Cốc thần. Thần thường ở trong hang động của mình ban ngày tiếp xúc với vật, đêm tối tiếp xúc với mộng, vì thế không yên ở nơi chốn được». [10]

Như vậy Cốc thần chính là ở nơi nê hoàn cung, vì Nê hoàn chính là «Bản cung của Thần» ở trong con người. [11]

B. Huyền tẫn 玄 牝 là gì?

Lão tử cho rằng Huyền tẫn chính là Cốc thần: «Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn.»

Các dịch giả châu Âu thường dịch là: la Femelle obscure (Duyvendak); la mère mystérieuse (Wieger); the Female mystery (J. Legge), v. v...

Nhưng khảo cứu Đạo gia ta thấy: Huyền tẫn chính là Thái cực, là nơi âm dương hợp nhất, kiền khôn giao thái, vì thế Lưu Nhất Minh mới nói: «Huyền tẫn tương giao, lương tri, lương năng hỗn thành vô ngại, kim đan ngưng kết. Danh viết: Cốc thần, hựu danh Thánh thai.» 玄 牝 相 交 良 知 良 能 混 成 無 礙 金 丹 凝 結 . 名曰: 谷 神 又 名 聖 胎 [12] Sách Kim đan đại thành tập viết: «Huyền tẫn là gì? Đáp viết: Ở trên là Huyền, ở dưới là Tẫn. Một khiếu Huyền quan phía trái là Huyền, phía phải là Tẫn.» [13]

Vì thế các nhà luyện đơn mới cho rằng:

«Yếu đắc Cốc thần trường bất tử,

Tu bằng Huyền tẫn lập căn cơ.» [14]

要 得 谷 神 長 不 死 ; 須 憑 玄 牝 立 根 基.

Nói nôm na rằng: Muốn đắc đạo, muốn trường sinh bất tử, phải biết phối hợp Huyền tẫn, nghĩa là phối hợp âm dương, phối hợp nhân tâm với Đạo tâm, phối hợp Thần, Hồn.

ÂM + DƯƠNG = THÁI CỰC

TẪN + HUYỀN = ĐẠO

NHÂN TÂM + ĐẠO TÂM = CỐC THẦN

HỒN + THẦN

Mà nơi phối hợp chính là ở Nê hoàn cung 泥 丸 宮 ở chính giữa đầu não con người (Huyền quan nhất khiếu 玄 關 一 竅, Huyền tẫn 玄 牝, Thượng đan điền 上 丹 田).

Chính vì thế mà Huyền tẫn còn được gọi là: Huỳnh phòng 黃 房, Thần thất 神 室, Kim đỉnh 金 鼎, Ngọc lô 玉爐, Huyền quan 玄 關, Chân thổ 真 土, Ngân ngạc 鄞 鄂 [15]

Sách Thông thiên bí thư 通 天 秘 書 có cả một chương nói về Huyền tẫn. Đại loại Huyền tẫn là:

Thái hư chi cốc 太 虛 之 谷

Tạo hóa chi nguyên 造 化 之 源

Hỗn độn chi căn 混 沌 之 根

Thái cực chi đế 太 極 之 蒂

Hư vô chi hệ 虛 無 之 系

Qui căn khiếu 歸 根 竅

Phục mệnh quan 復 命 關

Mậu kỷ môn 戊 己 門

Hoàng trung cung 黃 中 宮

Đan nguyên phủ 丹 元 府

Chân nhất xứ 真 一 處

Huỳnh bà xá 黃 婆 舍

Chu sa đỉnh 朱 砂 鼎

Long hổ huyệt 龍 虎 穴

Qui trung 規 中

Trung (trung điểm vòng Dịch), v. v... [16]

C. Huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn.

玄 牝 之 門 是 謂 天 地 根

Biết được Cốc thần, biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết được gốc gác, căn cơ của trời đất, vạn vật. Chẳng những thế còn biết được căn cơ, gốc gác của con người. Biết được căn cơ, gốc gác, tức là biết được nơi chốn trở về, vì thế trên đã nói Huyền tẫn chi môn cũng chính là: Qui căn khiếu, Phục mệnh quan.

Sách Kim đan đại thành tập viết: «Giữ được chân nhất ở Thiên cốc (Nê hoàn) khí vào được Huyền quan, tức là đạt tới Bản lai thiên chân». [17]

Đạt tới Căn nguyên 根 源 tức là tìm ra được «Bản lai diện mục» 本 來 面 目. [18] Biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết chỗ luyện đan, biết nơi ngưng kết thánh thai.

Sách Thông thiên bí thư viết: «Ở trong con người có một khiếu gọi là Huyền tẫn... Huyệt này là gốc gác căn cơ cho khoa luyện đan, hoàn phản; là nơi thần tiên ngưng kết thánh thai.» [19]

D. Biết được lò cừ Tạo hóa rồi, biết được Chân thể của Đạo rồi thì thấy mọi sự đều vĩnh cửu.

Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,

Thì đất trời chớp mắt đã qua.

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta, vô cùng. [20] 


[1] Cốc thần 谷 神: các dịch giả châu Âu thường dịch Cốc thần là l’Esprit de la Vallée, như vậy không có nghĩa gì. Wieger dịch là: «La puissance expansive transcendante qui réside dans l’espace médian», không sai nhưng dài dòng quá.

[2] Huyền tẫn 玄 牝: nên hiểu Huyền là dương, tẫn là âm, và Huyền tẫn Thái cực nơi âm dương hợp nhất.

[3] Miên miên 綿 綿: dài dằng dặc.

[4] Cần : hết.

[5] Ngộ chân thiên 悟 真 篇 vân:

Yếu đắc Cốc thần trường bất tử              要 得 谷 神 長 不 死

Tu bằng Huyền tẫn lập căn ky                 須 憑 玄 牝 立 根 基

Chân tinh ký phản huỳnh kim ốc             真 精 既 返 黃 金 屋

Nhất khỏa minh châu vĩnh bất ly.            一 顆 明 珠 永 不 離

[6] Đái Nguyên Trường 戴 源 長, Tiên Học từ điển 仙 學 辭 典, tr. 89: Cốc giả hư dã, thần giả linh giác dã, đan pháp dĩ hư linh bất muội vi bản, thị cốc thần giả, nãi không linh chi nguyên thần dã. 谷 者 虛 也, 神 者 靈 覺 也, 丹 法 以 虛 靈 不 昧 為 本, 是 谷 神 者, 乃 空 靈 之 元 神 也.

[7] Xem Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, tr. 11. Thị cốc dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn trung hư xứ thị, tại phương viên tắc thập tự trung phân xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng hoà hợp xứ thị. Thị thần dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn giao đại xứ thị, tại phương viên tắc thập tự giao tiếp xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng động tĩnh xứ thị. [...] Cổ nhân hiệu viết sinh môn tử hộ, hựu viết tạo hoá lô, âm dương lô; Nho viết Đạo nghĩa chi môn; Thích viết bất nhị pháp môn; Đạo viết chúng diệu chi môn. Tổng nhi ngôn chi viết Giá cá nhi dĩ. 是 谷 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 中 虛 處 是, 在 方 圓 則 十 字 中 分 處 是, 在 人 身 則 四 象 和 合 處 是. 是 神 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 交 代 處 是, 在 方 圓 則 十 字 交 接 處 是, 在 人 身 則 四 象 動 靜 處 是. [...] 古 人 號 曰 生 門 死 戶, 又 曰 造 化 爐, 陰 陽 爐; 儒 曰 道 義 之 門; 釋 曰 不 二 法 門; 道 曰 眾 妙 之 門. 總 而 言 之 曰 這 個 而 已. (xem Tiên Thiên Phương Viên Đồ 先 天 方 圓 圖; ấn bản Chu Dịch Xiển Chân, Tây An 西 安 Trung Quốc, 1995, tr. 25-26.)

[8] Huyền tẫn 玄 牝 từ đời nhà Thanh được cải là Nguyên tẫn 元 牝 để tránh tên húy nhà vua.

[9] Xem Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, tr. 9: Sở vân cốc thần bất tử, thị vị nguyên tẫn, nguyên tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn dã. 所 云 谷 神 不 死,是 謂 元 牝,元 牝 之 門,是 謂 天 地 根 也 (Bản Tây An 1995, tr. 25)

[10] Bạch tổ viết: «Nhân chi đầu hữu cửu cung, trung nhất cung danh viết Cốc thần. Thần thường cư kỳ cốc, nhật tắc tiếp ư vật, dạ tắc tiếp ư mộng, bất năng an định kỳ cư dã.» 白 祖 曰 : 人 之 頭 有 九 宮 中 一 宮 曰 谷 神 神 常 居 其谷 日 則 接 於 物 夜 則 接 於 夢 不 能 安 定 其 居 也 . Tiên học từ điển, mục từ Cốc thần, tr. 89.

[11] Nê hoàn thần chi bản cung 泥 丸 神 之 本 宮 (Thôi Hi Phạm 崔 希 范, Nhập dược kính 入 藥 鏡, tr. 10b.)

[12] Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, các đồ hình tr. 9. Như vậy Huyền là dương, Tẫn là âm.

[13] Kim đan đại thành tập 金 丹 大 成 集, chương 4a.

[14] Xem Chu dịch xiển chân, tr. 9a.

[15] Chú viết: Huỳnh phòng, Thần thất dã, Kim đỉnh dã; Ngọc lô dã; Huyền quan dã; Chân thổ dã; Ngân ngạc dã... 注 曰 : 黃 房 神 室 也 金 鼎 也 玉 爐 也 元 關 也 元 牝也 真 土 也 鄞 鄂 也 Thôi Hi Phạm, Nhập dược kính, tr. 4b.

[16] Thông thiên bí thư 通 天 秘 書, quyển 4, tr. 9b.

[17] Vấn: Thái ất hàm chân. Đáp viết: Thủ chân ư Thiên cốc, khí nhập Huyền quan, tức đạt «bản lai Thiên chân» : 太 乙 含 真 答 曰 : 守 真 於 天 谷 氣 入 玄 關 即 達 本 來 天 真. Kim đan đại thành tập, tr. 6b.

[18] Đỗng kiến bản lai diện mục, chứng triệt vô thượng căn nguyên 洞 見 本 來 面 目 證徹 無 上 根 源. Xướng đạo chân ngôn 倡 道 真 言, quyển 1, tr. 2b.

[19] Phù thân trung nhất khiếu danh viết Huyền tẫn. Thử huyệt nãi kim đan hoàn phản chi căn; thần tiên ngưng kết thánh thai chi địa. 夫 身 中 一 竅 名 曰 玄 牝 . 此 穴 乃 金 丹 還 返 之 根 ; 神 仙 凝 結 聖胎 之 地 Thông thiên bí thư, quyển 4, tr. 9b.

[20] Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn; tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã. 蓋 將 自 其 變 者 而 觀 之 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 ;自其 不 變 者 而 觀 之 則 物 與 我 皆 無 盡 也 . Tô Đông Pha 蘇 東 坡, Tiền Xích bích phú 前 赤 壁 賦. Xem bài phú Tiền Xích bích của Tô Thức 蘇 軾, bản dịch Nguyễn Văn Thọ, tạp chí Văn đàn, năm thứ 3, bộ 3, số 41, ngày 9 đến 15. 8. 1962.