ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 46
KIỆM DỤC
儉 欲
Hán văn:
天 下 有 道,
卻 走 馬 以 糞. 天 下 無 道,
戎 馬 生 於 郊. 禍莫 大 於 不 知 足.
咎 莫 大 於 欲 得. 故 知 足之 足,
常 足 矣.
Phiên âm:
1. Thiên hạ hữu đạo, khước tẩu mã dĩ
phẩn. Thiên hạ vô đạo, nhung mã sinh ư giao.
2. Họa mạc đại ư bất tri túc.
Cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ.
Dịch xuôi:
1. Thiên hạ có Đạo, thì ngựa dùng vào
việc vun phân ruộng. Thiên hạ không Đạo, ngựa chiến sinh ngoài thành.
2. Không họa nào lớn bằng không biết
đủ. Không hại nào lớn bằng muốn được của. Cho nên biết cho mình là có
đủ, thời luôn luôn đủ.
Dịch thơ:
1.
Trần gian mà có Hóa Công,
Ngựa hay cũng thải về đồng vun phân.
Trần gian mà mất Thiên quân,
Bên thành chiến mã hí rầm ngày đêm.
2.
Nguy thay những kẻ bon chen,
(Suốt đời chẳng lửng dạ thèm khát khao).
Hại thay những kẻ vơ vào,
(Vơ vơ, vét vét biết bao giờ cùng).
Ở đời muốn được thung dung,
Nhiều no, ít đủ, ta không phàn nàn.
BÌNH GIẢNG
Thiên hạ mà có Đạo, thì dân chúng an
bình, ngựa chiến không còn có việc dùng, phải đem về quê làm việc đồng
áng.
Khi nào thì gọi là nước có Đạo? Nước
có Đạo là khi trên dưới giữ đúng bổn phận mình, vua ra vua, tôi ra tôi,
cha ra cha, con ra con; ai nấy đều lo tu tâm, ăn ở cho xứng đáng với
danh nghĩa con người, yêu kính đồng loại, biết trọng nghĩa, khinh tài.
Đó là thời đại hòa, đại thuận. Thời
ấy, không còn ai muốn cất giữ những dụng cụ chiến tranh, nên ngựa chiến
cũng hóa thành vô dụng.
Vua Vũ Vương đã có thời thả trâu trận,
ngựa chiến nơi miền núi Hoa Dương, và miền đồng Đào Lâm tỏ ý sẽ dùng văn
mà cai trị, cải hoá thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực.
Nhưng khi mà nước vô Đạo, thì chinh
chiến nhiễu nhương nhân dân đồ thán, mà khi ấy thời ngay bên thành, đã
thấy đầy dẫy những chiến mã.
Thế nào là một nước vô Đạo? Một nước
vô Đạo là một nước đã mất cương thường, trên chẳng ra trên, dưới chẳng
ra dưới, ai ai cũng chỉ vụ danh, vụ lợi mà khinh nhân nghĩa. Người người
khi trá lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, chia rẽ nhau. Trong thì cương thường
đổ nát, ngoài thì không giữ được hòa hiếu với lân bang, vì thế nên sinh
ra chinh chiến.
Chung qui, chinh chiến sinh ra là vì
con người không biết kiềm chế lòng dục. Ai cũng muốn vơ vét, súc tích
thêm của cải; ai cũng tỏ lỏng lòng tham. Cho nên cái hay nhất cho cá
nhân, cũng như cho xã hội là biết vừa lòng với số phận mình, biết vui
sống trong hòan cảnh mình.
Đọc chương Đạo Đức kinh bàn về «Tri
túc» này, ta lại liên tưởng đến thái độ của nho gia trong Luận Ngữ.
Đức Khổng nói: «Ăn cơm thô, uống nước
lã, co cánh tay gối đầu, trong cảnh bần hàn mà vẫn vui sướng. Phú quý do
bất nghĩa thì coi như mây nổi.»
Đức Khổng cũng khen Nhan Hồi như sau:
«Hiền thay là trò Hồi! Người ở trong ngõ hẹp với một giỏ cơm, một bầu
nước. Ở cảnh ấy người ta không ai chịu cực khổ cho nổi. Thế mà trò Hồi
chẳng đổi chí vui thích của mình. Hiền thay là trò Hồi.»
Cụ Nguyễn Công Trứ đã hiểu được lẽ
«lạc thiên tri mệnh»
樂 天 知 命
hay «an phận lạc thiên»
安 分 樂 天
của Nho và Lão nên đã viết:
«Cảnh cùng thông, ai có bận chi đâu,
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy.
Thơ rằng:
Hữu danh nhàn phú quý
有 名 閒 富 貴
Vô sự tiểu thần tiên
無 事 小 神 仙
Đấng anh hùng an phận lạc thiên
安 分 樂 天
So trời đất cũng nhất ban xuân ý.»
一 般 春 意.
Bản Hà thượng Công, bản Tống Long Uyên, bản Léon Wieger lại thêm một câu
như sau: Tội mạc đại ư khả dục; Họa mạc đại ư bất tri túc; Cửu mạc
đại ư dục đắc.
罪 莫 大 於 可 欲;
禍莫 大 於 不 知 足; 咎 莫 大 於 欲 得.
Bản Hà thượng Công và bản Léon Wieger không có chữ hĩ
矣
.
Xem Kinh Thư, Vũ Thành
武 成, tiết 2.
Tử viết: «Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ
trung hĩ. Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân».
子 曰:
飯 疏 食, 飲 水,
曲 肱 而 之, 樂 亦 在 其 中 矣.
Luận Ngữ
論 語,
Thuật Nhi
述 而, chương 7, câu 15.
Tử viết: «Hiền tai Hồi dã ! nhất đan tự, nhất biểu ẩm, tại lậu hạng.
Nhân bất kham kỳ ưu. Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi dã.»
子 曰 賢 哉 回 也
! 一 簞 食, 一 瓢 飲,
在 陋 巷. 人 不 堪 其 憂.
回 也不 妀 其 樂. 賢 哉 回 也.
Luận Ngữ
論 語, Ung Dã
雍 也,
chương 6, câu 9.
Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu.
樂 天 知 命 故 不 憂
(Thánh nhân vui cái vui trời; bởi hay
định mạng nên vui thập phần) Hệ từ thượng, chương 4. Xem Nguyễn Văn Thọ
& Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập III (Hạ Kinh), tr.
437.
Xem Đàm Xuân Thiều, Trần trọng San, Việt văn độc bản, đệ nhị, tr.
35, bài Hành tàng.
|